Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia – giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Quang Bình đã ban hành quyết định, phân công rõ trách nhiệm quản lý, tham mưu tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án cho các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện. Thông qua việc phân định rõ trách nhiệm tham mưu, quản lý, tổ chức thực hiện chương trình đã tránh được tình trạng bị động, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình.
Phát triển sản xuất chè tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch và điều chuyển nguồn vốn giữa các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo kết quả thực hiện chương trình và tỷ lệ giải ngân nguồn vốn, tránh tình trạng trả nguồn vốn về tỉnh.
Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện một cách sâu rộng, kịp thời và đầy đủ dưới nhiều hình thức như qua đài phát thanh, truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu, sản xuất các chương trình thời sự địa phương,... Chú trọng tuyên truyền, vận động các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau khoảng thời gian thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chính quyền địa phương cùng với nhân dân huyện Quang Bình đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, đào tạo việc làm,...
Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang
Cụ thể, năm 2024, chính quyền địa phương huyện Quang Bình tổ chức Hội chợ việc làm huyện Quang Bình với sự tham gia của 18 công ty, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển sinh đào tạo với các ngành nghề chủ yếu như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, khai thác hầm mỏ, lò than, khoáng sản. Sự kiện thu hút hơn 1.400 người lao động, đoàn viên, thanh niên, học sinh THPT. Thông qua hội chợ, có 326 người đăng ký tham gia làm việc tại các công ty, doanh nghiệp.
Thường xuyên đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với xu thể phát triển của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Tập trung tổ chức mở 90 lớp đào tạo nghề với 3.085 học viên, từ đó tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Quang Bình ngày càng tăng (dự kiến năm 2024 tăng 70%), phần nào đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Thực hiện nâng cao hiểu biết, chấp hành pháp luật cho người dân và đảm bảo quyền lợi, lợi ích của người dân, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế còn được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại các phiên tòa, giúp cho người nghèo, người yếu thế không có đủ điều kiện mời luật sư bào chữa hoặc không đủ khả năng tự bào chữa được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp.
Hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần đưa pháp luật vào đời sống, trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với nhân dân, góp phần khắc phục những vướng mắc, khiếu nại. Từ đó tạo sự đoàn kết gắn bó giữa chính quyền địa phương với nhân dân, sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, đảm bảo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và ổn định trật tự xã hội ở địa phương.
Thông qua nguồn vốn Quỹ quốc gia đã hỗ trợ người lao động có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng sản xuất, tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thu nhập và giảm nghèo bền vững. Từ đó góp phần giải quyết việc làm, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội.
Bên cạnh những điểm tích cực, vẫn còn có một số tồn tại hạn chế như kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, nghèo mới phát sinh, khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Một bộ phận hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý thức tự chủ, vươn lên thoát nghèo.
Để phấn đấu, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia – giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Quang Bình cần tăng cường sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò của các đoàn thể, xã hội.
Theo đó, tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án của chương trình.
Huy động, vận động mọi nguồn lực tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Quản lý phân bổ nguồn lực đúng quy đụng, sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu, hiệu quả, huy động các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia vào việc thực hiện các dự án của chương trình.