Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Huyện Phú Lương, Thái Nguyên: “Quả ngọt” sau hơn 10 năm xây dựng Nông thôn mới

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự tham gia hưởng ứng và đồng thuận cao của Nhân dân, công tác xây dựng nông thôn mới toàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, lãnh đạo UBND huyện Phú Lương cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được huyện Phú Lương thực hiện vào năm 2011, thời điểm đó huyện là địa phương khó khăn với nền nông nghiệp phát triển kém bền vững; công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phát triển chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém; môi trường ô nhiễm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp,…

Trong bối cảnh này, để thực hiện chương trình này, huyện Phú Lương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để từ đó thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân.

Đến nay, công tác xây dựng nông thôn mới toàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Huyện Phú Lương đã đầu tư xây mới, sửa chữa trên 270km đường giao thông nông thôn từ nguồn xi măng của tỉnh, vốn Nhân dân đối ứng và lồng ghép các ngồn vốn khác. Hệ thống thủy lợi được tập trung cải tạo, kiên cố hóa được trên 42 km kênh mương nội đồng; 100% số xã có điểm Bưu điện văn hóa xã, có mạng truy cập Internet đến trung tâm xã. Toàn huyện có 49/53 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 92,5%; 100% các nhà văn hóa xóm đạt chuẩn, đảm bảo phục vụ hoạt động văn hóa cho bà con Nhân dân.

Bí thư huyện Phú Lương Nguyễn Quốc Hữu thăm quan cánh đồng nếp vải tại xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

Bên cạnh đó, kinh tế nông thôn cũng từng bước đổi mới theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy lợi thế địa phương. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.368 tỷ đồng/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha diện tích đất nông nghiệp trồng trọt đạt trên 117 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện còn khoảng 3,8%.

Đặc biệt, Phú Lương là địa phương có diện tích chè lớn thứ 2 của tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích chè trên 4.100ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 45.000 tấn.

“Huyện xác định cây chè là cây mũi nhọn và sản phẩm chè là chủ lực trên địa bàn huyện. Toàn huyện hiện có 69 HTX nông nghiệp; 45 làng nghề trong đó có 44 làng nghề chè, 1 làng nghề bánh chưng Bờ Đậu. Huyện Phú Lương có 16 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên (tập trung vào sản phẩm chè, gạo Nếp Vải, mật ong, bánh chưng)”, lạnh đạo UBND huyện Phú Lương cho hay.

Để có được kết quả trên, huyện đã huy động được gần 334 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước và Nhân dân đóng góp, trong đó có hơn 65 tỷ đồng đóng góp từ người dân. Ngoài ra, người dân cũng đóng góp hàng nghìn công lao động, tu sửa các công trình, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, hiến 22,25ha đất.

Đến năm 2023, toàn huyện Phú Lương có 12/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Tức Tranh, Vô Tranh, Cổ Lũng), trong đó xã Tức Tranh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 27 xóm đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu; 1 xóm thông minh (xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh). Hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, an ninh trật tự được đảm bảo. Từ những kết quả trên, huyện Phú Lương tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024.

Để đạt mục tiêu này, Huyện ủy huyện Phú Lương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng huyện Phú Lương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ đạo; định kỳ hàng tháng họp đánh giá tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới. UBND huyện ban hành Kế hoạch xây dựng huyện Phú Lương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, chỉ ra nội dung, khối lượng công việc và giải pháp thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới.

Huyện Phú Lương cũng xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, do vậy huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức tuyên truyền xây dựng huyện Phú Lương đạt chuẩn nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị hoàn thành mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

XEM THÊM: Đến Thái Nguyên tận mắt xem người dân trồng chè sạch, làm trà ngon

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân… Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 69 Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, nhân rộng các mô hình Hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả, để Hợp tác xã thực sự là cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp.

Lãnh đạo huyện đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân trong huyện phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Nguyễn Lâm

Tin nổi bật