Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hút vốn tư nhân, đảm bảo cung ứng điện

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Năng lượng điện có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, bởi đây là sản phẩm hàng hóa đặc thù, "đầu vào của mọi đầu vào" của nền kinh tế.

Bảo đảm nguồn cung điện là nhiệm vụ tiên quyết

Sáng 7/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp" nhằm phân tích, kiến giải, luận bàn giải pháp, kịch bản, sự chuẩn bị của ngành điện để đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng trong bối cảnh mới.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, Phó Cục trưởng Cục Điện lực Đoàn Ngọc Dương cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 01 về những giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho cao điểm năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó đã đề ra những nhóm nhiệm vụ và giải pháp hết sức quyết liệt để triển khai thực hiện.

Một trong những nhóm nội dung quan trọng, trước hết là đảm bảo trong ngắn và trung hạn phải hoàn thiện thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư phát triển điện lực. Nhiệm vụ trước tiên là phải đảm bảo nguồn cung thì mới đáp ứng được cầu trong tương lai. Trong tình hình sẽ tăng trưởng cao thì nhu cầu điện dự báo cũng sẽ cao hơn.

Theo ông Dương, Bộ Công Thương với trách nhiệm và tinh thần quyết liệt, ngay từ đầu năm 2025, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những nghị định liên quan. Đồng thời, xây dựng và ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thi hành Luật Điện lực năm 2024.

Đến nay cơ bản những văn bản quy phạm pháp luật đó đã hoàn thiện và những cơ chế chính sách để phát triển điện lực cơ bản cũng đã tháo gỡ được những vướng mắc thời gian vừa qua để thúc đẩy việc đầu tư phát triển điện lực, đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.

Theo đó, từ cuối năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2025. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng trên 12% theo kịch bản Bộ Công Thương đặt ra để điều hành.

Năng lượng điện được xem là sản phẩm hàng hóa đặc thù, "đầu vào của mọi đầu vào" của nền kinh tế, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh, quốc phòng của đất nước

Trên cơ sở kịch bản điều hành như vậy, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành điện đáp ứng cung ứng điện. Để thực hiện triển khai những nhóm giải pháp đảm bảo việc cung ứng điện trong năm nay, Bộ Công Thương tập trung vào sáu nhóm giải pháp.

Nhóm thứ nhất là các nhà máy điện, các đơn vị truyền tải, phân phối sẽ phải đảm bảo kế hoạch liên quan đến duy tu, bảo dưỡng để các tổ máy phát điện, những thiết bị điện trong hệ thống sẵn sàng cao nhất để đáp ứng nhu cầu điện trong năm.

Thứ hai, về mặt cung ứng nhiên liệu cho phát điện, các nhà máy điện và các đơn vị cung ứng nhiên liệu chủ chốt cho phát điện như than, dầu, khí… phải lên kế hoạch và đảm bảo ít nhất là lượng lưu trữ, tồn trữ trong nhà máy cũng như trong kho chứa để cung ứng điện trong những giai đoạn cao điểm.

Thứ ba là thúc đẩy và đôn đốc quyết liệt việc hoàn thành tiến độ một số công trình điện quan trọng theo kế hoạch sẽ vận hành trong năm nay, bao gồm một số dự án nguồn điện như hai tổ máy của Thủy điện Hòa Bình mở rộng, hai tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 và một số dự án nguồn điện khác.

Song song với đó, một số dự án lưới điện quan trọng cũng đặt mục tiêu phải thúc đẩy nhanh để đưa vào vận hành. Ví dụ như dự án lưới điện 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Mục đích, mục tiêu là giải tỏa công suất thủy điện ở khu vực phía Bắc để đưa về trung tâm phụ tải khu vực Hà Nội. Theo kế hoạch, EVN đang hết sức quyết liệt đưa vào vận hành trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tới đây.

Nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ tư là yêu cầu công ty điều độ và vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia phải chuẩn bị sẵn những kịch bản, xây dựng và cập nhật những tình huống, tình hình liên quan đến thay đổi. Ví dụ về phụ tải hoặc thay đổi về điều kiện thủy văn, thời tiết để chuẩn bị sẵn những kịch bản điều hành và huy động hợp lý những nguồn điện khác nhau đáp ứng nhu cầu điện trong những thời điểm từ cao điểm đến thấp điểm.

Nhóm giải pháp thứ năm là tăng cường tiết kiệm điện. Đây cũng là một trong những giải pháp được đặt ra hết sức quan trọng. Việc tiết kiệm điện cũng tương ứng với việc sẽ giảm được nhu cầu, đặc biệt là vào những thời điểm cao điểm. 

Cuối cùng là thường xuyên kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng để đảm bảo toàn bộ các đơn vị, cơ quan, tổ chức tham gia trong các khâu từ phát điện, điều độ hệ thống, đến truyền tải, phân phối phải sẵn sàng cao nhất, chuẩn bị thích ứng và ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Cần xóa bỏ cơ chế "mua cao, bán thấp"

Cùng trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội khẳng định, năng lượng, đặc biệt năng lượng điện, là yếu tố đầu vào rất quan trọng trong sản xuất kinh doanh và để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2031, không có cách nào khác là phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Điều này khiến cho nhu cầu về năng lượng và điện tất yếu sẽ tăng lên.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên theo ông Hiếu, nhu cầu năng lượng không chỉ tăng về mặt sản lượng hoặc mức tiêu thụ năng lượng mà hiện giờ nền kinh tế còn có yêu cầu cao hơn về chất lượng của nguồn năng lượng. Với nước cũng tương tự. "Chúng ta có thể thấy, yêu cầu về tính ổn định của năng lượng đặt trong bối cảnh net zero của nền kinh tế xanh thì rõ ràng chất lượng của nguồn năng lượng rất quan trọng", ông Hiếu cho biết.

Với 2 thách thức đặt ra của ngành năng lượng gồm đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và đảm bảo chất lượng nguồn điện thì trong thời gian tới, giá điện phải khác đi.

Bàn về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng để bảo đảm cung cấp điện bền vững trong nền kinh tế thị trường, ngành điện cũng cần vượt qua các "rào cản".

Ông Thoả cho biết giá điện của chúng ta chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường, trong nhiều năm qua không được tính đúng tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra 1 kWh điện. Bên cạnh đó, giá điện chưa được khắc phục tình trạng mua cao bán thấp diễn ra trong nhiều năm.

Bên cạnh đó, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu. Thường giá điện phải bảo đảm để hỗ trợ ngành điện phát triển tăng trưởng ổn định, khuyến khích thu hút đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên thực tế, những mục tiêu này hội tụ trong giá điện lại không đồng thuận 100% với nhau mà có những xung đột, giằng co nhau trong quá trình thực hiện. Để xử lý mối quan hệ, bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu này trong giá điện là rất khó, một số mục tiêu không thực hiện được.

Một điểm nghẽn khác là cơ chế bù chéo trong giá điện như bù chéo giữa các hộ sinh hoạt với nhau, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, bù chéo giá điện giữa các vùng miền khác nhau. Cơ chế này đã kéo dài quá lâu khiến chúng ta không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện.

Từ những bất cập đó, gây ra những hệ quả. Điển hình là điện không được tính đúng tính đủ thì sẽ lỗ, giá điện sẽ không phản ánh đúng giá trị của 1 kWh điện đã sản xuất ra. Như vậy, giá điện sẽ trở thành giá bao cấp cho toàn xã hội, dẫn đến việc khó khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, không tạo áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ.

"Một điểm rất quan trọng nữa là ngành điện luôn bị dòng tiền âm, chúng ta có thể hiểu là lỗ. Điều đó có nghĩa là không cân đối được dòng tiền cho nên rất khó giúp ngành điện tái sản xuất, tái đầu tư và phát triển bền vững. Việc này cũng đe dọa đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng mà chúng ta đã đề ra.

Về dài hạn, chúng ta cần xóa bỏ cơ chế "mua cao, bán thấp", để giá điện phản ánh đúng giá trị, hướng đến cạnh tranh lành mạnh trong thị trường bán lẻ. Đồng thời, việc điều tiết của Nhà nước phải thông qua các giải pháp kinh tế, không can thiệp hành chính, để tránh làm sai lệch giá trị thật của điện năng", ông Thoả nói.

Khuyến khích đa dạng hóa thành phần đầu tư

Phó Cục trưởng Cục Điện lực cũng chia sẻ, chủ trương xã hội hoá khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đã đề ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55).

Trong nội dung của Nghị quyết, phần thể chế hoá điện lực đã nêu rõ Nhà nước chỉ độc quyền khu vực then chốt của cung ứng điện, bao gồm điều độ hệ thống điện, xây dựng, vận hành nhà máy điện quan trọng có ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn, an ninh cung cấp điện (ví dụ như nhà máy điện hạt nhân hoặc nhà máy thuỷ điện đa mục tiêu) cũng như vận hành đường dây truyền tải lớn có tính xương sống trong hệ thống. Còn lại, tất cả khâu khác của chuỗi cung ứng điện đều xã hội hoá và khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài tham gia.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực Đoàn Ngọc Dương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiện nay, với nguồn điện, các dự án do Nhà nước đầu tư chỉ là các dự án lớn như nhiệt điện khí, nhiệt điện than… còn hầu hết các dự án điện tái tạo như điện gió, mặt trời và những loại hình điện sinh khối như điện rác đều là tư nhân đầu tư.

Vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 768/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII, điều chỉnh ngày 15/4/2025.

Quy hoạch Điện VIII được điều chỉnh trên cơ sở xuất hiện yếu tố mới gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% và chủ trương tiếp tục đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận. Có thể nói, xuyên suốt trong Quy hoạch Điện VIII là tinh thần thúc đẩy khuyến khích đa dạng hoá thành phần đầu tư.

Đáng chú ý, thay vì áp đặt danh mục dự án điện giai đoạn 2025 - 2030 như trước đây, Bộ Công Thương đã chuyển sang cách tiếp cận mở. Trên cơ sở phối hợp với các địa phương, bộ, ngành, Bộ Công Thương xây dựng danh mục các dự án năng lượng để kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Thẩm quyền triển khai các dự án này sẽ được giao về UBND các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở danh mục được thống nhất, các địa phương sẽ công bố, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật về đầu tư và đất đai.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên, chi nhánh Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên (VIMIKO): Là doanh nghiệp, chúng tôi luôn đồng hành và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành điện đang đối mặt. Điều doanh nghiệp chúng tôi mong muốn nhất không phải là được sử dụng điện giá rẻ, mà là được sử dụng nguồn điện ổn định, có mức giá hợp lý, đúng theo cơ chế thị trường, và đảm bảo chất lượng.

Với doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp nặng, việc được cấp điện liên tục, không bị gián đoạn và đạt chất lượng tốt là yếu tố then chốt, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất. Khi xảy ra sự cố hay gián đoạn nguồn điện, doanh nghiệp không chỉ bị thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh nói chung.

Vì vậy, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là trong thời gian tới, ngành điện tiếp tục được đầu tư, duy trì và phát triển bền vững, nhằm cung cấp nguồn điện ổn định, lâu dài cho khối doanh nghiệp. Về phần mình, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng ngành điện và các bộ, ngành trong việc sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tích cực chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện xanh… hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" (Net-zero) vào năm 2050 theo định hướng của Chính phủ.

Tin nổi bật