Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Huấn luyện viên sức khỏe tư vấn làm sao ăn đồ tốt, tinh thần thảnh thơi

(DS&PL) -

Chị Trần Lan Hương đã quyết định nghỉ việc có thu nhập cao để chuyên tâm theo học yoga và thiền. Cơ duyên đến, chị trở thành Huấn luyện sức khỏe đầu tiên ở Việt Nam.

Chị Trần Lan Hương đã quyết định nghỉ việc có thu nhập cao để chuyên tâm theo học yoga và thiền. Cơ duyên đến, chị trở thành Huấn luyện sức khỏe đầu tiên ở Việt Nam.

Vì sao chị lại từ bỏ công việc đáng mơ ước của nhiều người để chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ như vậy?

Thế nào là công việc đáng mơ ước? Theo như tiêu chuẩn của xã hội đặt ra, đó là công việc lương cao, giữ chức vụ quan trọng, nhiều cơ hội thăng tiến, làm ở công ty danh giá. Nhưng bản thân mỗi người lại không nghĩ như vậy. Nếu đó là công việc mình không đam mê, mình không giỏi, lấy của mình nhiều thời gian, bắt mình phải suy nghĩ nhiều, mệt mỏi nhiều, kể cả nếu công việc đó bạn kiếm được nhiều tiền nhưng lại không có thời gian tiêu tiền. Vậy, liệu đó có phải công việc mơ ước không?

Cứ mải miết chạy theo những tiêu chuẩn của xã hội, luôn luôn cảm thấy có những công việc tốt hơn, công ty danh giá hơn, tôi thực sự không biết đâu là điểm dừng cho tham vọng của chính mình. Sau 7 lần nhảy việc, tôi không hề thấy hạnh phúc, tôi loay hoay đi tìm ý nghĩa và mục đích thực sự của cuộc sống. Khi đã "ngấm đòn" với những cái giá quá đắt, tôi biết mình cần dừng lại.

Từ bỏ đỉnh cao công việc như thế, chị có băn khoăn nhiều không? Chưa kể tới là ý kiến của mọi người trong gia đình...

Những lần nhảy việc trước, tôi đều rất băn khoăn nhưng lần này, sự băn khoăn ấy được thay bằng sự sáng tỏ. Tôi đã suy nghĩ thấu đáo, mục đích cuộc sống cũng không bắt buộc mình phải trả giá nhiều đến thế, nhất là sức khỏe. Tất cả mọi người xung quanh tôi đều ủng hộ quyết định này, duy chỉ có bố mẹ tôi lo lắng muốn tôi ổn định. Dần dần, khi quan sát con đường tôi đi khá vững vàng và có ích cho xã hội, bố mẹ tôi đã hoàn toàn ủng hộ.

Tại sao chị lại nhảy việc và giữa biết bao bộn bề lựa chọn, chị chọn lĩnh vực sống khỏe - một mảng miếng quá mới mẻ ở Việt Nam thời điểm đó?

Lần này, không phải tôi nhảy sang một công việc khác mà là tôi quyết định nghỉ hẳn để thực sự nghỉ ngơi và dành thời gian chiêm nghiệm lại cuộc sống. Tôi cũng đoán là con đường mình đã đi không hề ổn một chút nào. Tại sao trong cuộc sống lại phải đánh đổi thành công với sự thảnh thơi, hạnh phúc? Liệu còn cách nào có thể khiến tôi có cả hai mà không cần đánh đổi không? Vậy là tôi quyết định dừng lại, dành thời gian để sống thực sự.

Tôi tìm đến lớp học yoga, rồi trở thành giáo viên dạy yoga, tôi học thiền, học về chế độ dinh dưỡng. Sau đó, tôi theo học khóa đào tạo Health Coach của Học viện Dinh dưỡng IIN (Institute for Integrative Nutrition), Mỹ. Quyết định này đã mang tới cho tôi một công thức hoàn hảo để bắt đầu một sự nghiệp mới.

"Công thức hoàn hảo", nghe thật thú vị. Chị có thể tiết lộ đôi chút về công thức ấy không?

Quyết định lần này hoàn toàn là nhờ sự tỉnh thức tâm linh. Đó là cả một quá trình dài, vì trong sống khỏe, mình phải đi từng bước, cải thiện từ điểm yếu nhất. Điểm yếu của tôi là làm sao cân bằng được cuộc sống và sự nghiệp. Khi học khóa đào tạo Health Coach, tôi đã học được rằng một con người cần phải khỏe cả 3 mặt: thể chất, tinh thần và xã hội thì mới coi là khỏe. Khi nhắc đến sức khỏe, chúng ta thường chỉ nhắc đến khỏe về thể chất. Khỏe về tinh thần, ấy là sáng ngày mai thức dậy chúng ta cảm thấy tràn trề năng lượng, thấy hào hứng khi làm những việc có ích cho đời; còn khỏe về mặt xã hội, tức là có các mối quan hệ tốt thì hầu như mọi người không hề nhắc đến. Tất cả những yếu tố trên có thể vừa là độc tố vừa là dinh dưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe chúng ta. Đấy chính là mô hình sống khỏe mà tôi đã được học. Muốn sống khỏe thì cần dinh dưỡng đúng, vận động thể dục đúng, kiểm soát stress đúng và muốn kiểm soát stress đúng thì cần lưu ý ba thứ: sự nghiệp, mối quan hệ và tâm linh. Trong đó, tâm linh chính là liều thuốc chữa khỏi mọi rắc rối, đau khổ.

Chúng ta nhắc nhiều tới sống khỏe, sống cân bằng, nhưng dường như không phải ai cũng hiểu nó một cách toàn vẹn, thấu đáo?

Chừng nào bạn cảm thấy hạnh phúc chưa trọn vẹn tức là bạn đang mất cân bằng. Có thể bạn cho rằng hạnh phúc là một định nghĩa rất mơ hồ, là một trạng thái ở một thời điểm nào đó chứ không mang tính chất kéo dài. Thực ra, hạnh phúc hay không là do lựa chọn của mỗi người. Chúng ta có thể lựa chọn được hạnh phúc hoặc được bất hạnh.

Quay trở lại về vấn đề mất cân bằng, tôi quan sát thấy chúng ta thường mắc kẹt ở việc mất cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, giữa việc chăm sóc bản thân và chăm sóc cho người khác, giữa khát vọng lớn và thực tế cuộc sống.

Đa số chúng ta đều có thể nhìn rõ việc mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân của chính mình. Nếu chúng ta ưu tiên, thậm chí hi sinh, một trong hai thứ trong một khoảng thời gian dài thì đó sẽ là điều bạn nuối tiếc cả đời. Nam giới thường lao vào công việc, bỏ quên gia đình còn nữ giới hi sinh công việc để dành toàn tâm toàn ý vào chăm sóc gia đình. Rồi đến khi gia đình tan vỡ, họ thật sự cảm thấy chao đảo, mất phương hướng hoàn toàn.

Chính bản thân tôi cũng đã có thời điểm rơi vào trạng thái mất cân bằng cuộc sống. Thực sự cảm giác lúc đó thật tồi tệ, tôi đã thầm nghĩ cuộc sống này mệt mỏi quá… Chị có lời khuyên nào dành cho những người từng mắc kẹt trong mớ hỗn độn như tôi không?

Tôi xin được chia sẻ cảm giác ấy của bạn. Bạn biết không, khi tư vấn cho mọi người về sức khỏe, tôi thường cho họ làm những bài test về hạnh phúc với thang điểm từ 0 đến 10, 0 là vô cùng bất hạnh còn 10 là vô cùng hài lòng về cuộc sống. Sau khi nhìn vào bảng đánh giá của họ, tôi sẽ tư vấn 10 cách để họ mở rộng hạnh phúc của chính mình.

Trước tiên là bước thải độc, sau đó là bước nuôi dưỡng. Thải độc cũng như ăn uống vậy; giả dụ bạn đang làm công việc bạn không yêu, không phù hợp, môi trường không tốt thì hãy “thải độc”, thay đổi đi. Tại sao cứ phải tiếp tục sự đau khổ mỗi ngày? Một công việc lý tưởng để hạnh phúc đó là công việc mà mình thích, mình giỏi, có ích cho xã hội, lương cao. Còn nếu bạn tự cảm thấy bất hạnh vì công việc đó mình giỏi nhưng lương thấp hay mình rất thích công việc này nhưng có một bạn trong team mình không thích lắm thì hãy học cách yêu nó để không bị stress mỗi ngày.

Nói tới sống khỏe, không thể không nhắc tới bữa ăn của chúng ta hàng ngày. Ở góc độ một chuyên gia dinh dưỡng, chị nhận định thế nào về dinh dưỡng qua mâm cơm của các gia đình hiện nay?

Con người là loài duy nhất bối rối không biết ăn gì trên hành tinh này. Điều gì dẫn tới sự bối rối ấy? Bởi vì có quá nhiều lựa chọn, hơn nữa ảnh hưởng của quảng cáo khiến cho chúng ta phân tâm. Người ta thường chọn những gì được quảng cáo nhiều nhất nhưng đâu có biết thứ đó có cần cho cơ thể hay không. Sai lầm thường thấy nhất của đa số là thích ăn nhiều chất bổ béo dẫn tới béo phì và bệnh gan thận; ưu tiên sự ngon miệng hơn là đồ ăn có giá trị sức khỏe nên dính vào bẫy thức ăn nhanh; thích thực phẩm hiện đại như thực phẩm chức năng và thích học theo cách nấu ăn của những nước phương Tây. Là con người, hãy ăn thức ăn tự nhiên toàn phần, đa dạng, chủ yếu là thực vật và hãy lắng nghe cơ thể của chính mình.

Không chỉ là một chuyên gia sống khỏe, tôi còn biết, chị rất am hiểu thiền. Ngày nay mọi người nói về “hành thiền” rất nhiều, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về nó?

Điều sai lầm nhất mà họ nghĩ về hành thiền là cứ ngồi xuống, hít thở và không nghĩ gì. Đến khi ngồi xuống, trong đầu ngập tràn suy nghĩ, họ lại nghĩ rằng mình chưa tập được thiền, không hợp thiền hay không có duyên. Bản chất của hành thiền là quan sát, nhận biết dòng suy nghĩ và cảm xúc của mình, từ đó hình thành thái độ Thiền trong cuộc sống nói chung và trong mọi công việc mình làm nói riêng (thư giãn, nhận biết, không phán xét); nhìn mọi thứ "như nó là" chứ không phải "như Tôi nghĩ".

Bạn có thể gọi đó là bài tập thể dục cho bộ não để giúp mình kiểm soát dòng suy nghĩ và cảm xúc. Khi thiền, bạn sẽ tách được những ý nghĩ của mình ra để quan sát, nhận biết, xem rằng đó có phải mình hay không. Tôi ví não mình sinh ra những ý nghĩ giống như máy tính, thiền sẽ giúp mình làm chủ ba chức năng: phím ON, OFF và DELETE. Máy tính được bật quá lâu sẽ nóng máy giống như chúng ta suy nghĩ quá nhiều sẽ không thông suốt được đầu óc, vậy nên dùng phím OFF. Những dữ liệu thừa cần được giải phóng tựa như khi những đau khổ trong quá khứ chúng ta cần phải quên đi thì dùng phím DELETE. Khổ hay sướng, tùy vào suy nghĩ thôi..

Đến với thiền 6 năm, chị đã nhận ra được những điều gì?

Nhờ có thiền, tôi đã phá bỏ khuôn mẫu của mình trước kia. Tôi dám đối diện với sợ hãi, sự tự ti, dám sống mà không sợ người khác nghĩ gì về mình. Tôi có tự do, tôi được sống là mình. Đến với thiền, không thể nói tôi không còn tham vọng nhưng những tham vọng ấy thực tế hơn, là mình hơn.

Tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng có thể theo thiền, chứ không phải chỉ những bậc cao tăng, người siêu phàm có thể hành thiền như trong suy nghĩ nhiều người. Và thiền cũng không phải là bỏ hết hiện tại để đi đến những nơi hẻo lánh hoang vu để hành. Bạn có thấy ai đi tập gym luyện cơ bắp mà phải bỏ hết thực tại không? Chỉ cần những bài tập thiền vào cuộc sống hằng ngày như bạn đánh răng rửa mặt thôi, 3 phút một ngày cũng được.

Đặc biệt là các bạn trẻ, những người phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong cuộc sống sôi động hiện tại, tôi khuyên các bạn nên tìm tới thiền, tới tâm linh càng sớm càng tốt, vì có tâm linh dẫn đường thì sẽ biết được điểm dừng khi mình đứng trước ngưỡng sân, si.

Người trẻ, hãy cứ mạnh dạn trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống. Hãy làm tất cả những gì mình muốn, kể cả tham, sân, si cũng được. Đừng sợ! Bởi họ được phép sai lầm, từ đó trang bị thêm kiến thức bao gồm sức khỏe, trí tuệ để xử lý những độc tố trong cuộc sống của mình.

Hiện nay, có rất nhiều người nhắc tới khái niệm “sống xanh”. Vậy theo chị “sống xanh” có phải chỉ là ăn chay không?

Sống xanh là hài hòa với nội tâm, với người khác và với thiên nhiên. Đa số chúng ta tùy nhu cầu và hoàn cảnh mà thường tiếp cận với sống xanh chỉ từ một góc độ có lợi cho bản thân mình lúc đó, nếu không tiếp tục tìm hiểu sẽ không thấy hết những mặt khác trong tổng thể cái mà tôi gọi là “hệ sinh thái sống xanh”.

Ăn chay hay tập thể dục đúng là sống xanh nhưng chỉ là một phần mà thôi. Khi hiểu được cách thức hệ sinh thái đó vận hành và vị trí của mình trong sự kết nối với các nhân tố khác trong hệ sinh thái đó, chúng ta sẽ có khả năng đưa ra những chọn lựa vừa nuôi dưỡng bản thân mình tốt nhất cả về thể chất và tinh thần, vừa giúp giữ cân bằng bền vững cho toàn bộ hệ sinh thái.

Chị có lời khuyên nào về việc tập thể dục không?

Tác hại của việc không tập thể dục không khác gì tác hại của việc nghiện thuốc lá vậy, hậu quả đến từ từ nhưng bào mòn cho tới khi bạn kiệt quệ. Vận động tập thể dục giúp các tế bào thông minh hơn để xử lý mỡ thừa đóng lại trong tế bào, giúp hệ thống dây chằng, cơ xương khớp được bôi trơn. Mỡ thừa gây ảnh hưởng tới những thụ thể nằm trong tế bào, tới trao đổi chất bên trong và bên ngoài cơ thể, máu sẽ không lưu thông được. Không tập thể dục sẽ không tận dụng được dinh dưỡng và làm suy yếu khả năng thải độc.

Là một người hiểu rõ về sức khỏe con người như thế, về bản thân mình, chị đã thực hiện một cách nghiêm túc và chỉn chu chưa?

Tập yoga, thiền, ăn uống dinh dưỡng đúng, tôi làm được hết và tuân thủ nghiêm ngặt, duy chỉ có điều tôi chưa hài lòng về bản thân mình là chưa ngủ sớm. Khoảng thời gian ngủ tốt nhất là từ 10 rưỡi đến 11 giờ đêm nhưng bản thân tôi còn đang dở dang việc học nên thường đi ngủ muộn hơn dự kiến một chút. Tôi hy vọng sớm cải thiện được thói quen này.

Các bạn ạ, tôi thực sự mong mọi người hãy chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần, xã hội của bản thân một cách khoa học, đúng đắn để có cuộc sống thực sự Xanh và Trong.

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Theo Trithuctre

Bài: Ninh Linh - Huyền Trang

Ảnh: Duy Anh

Thiết kế: Hương Xuân

Tin nổi bật