Theo thuật toán của các nhà nghiên cứu tại EarthSky, khoảng 19h56 ngày 6/12 (tức 2h56 ngày 7/12 theo giờ Việt Nam), gần 86% dân số thế giới sẽ cùng sống trong bóng đêm. Vào thời điểm đó, màn đêm ngự trị tại ba lục địa đông dân nhất: Châu Á, Châu Phi và Châu Âu (với những ngoại lệ rất nhỏ).
Tính toán của EarthSky cho thấy vào ngày 7/12, khoảng 86% dân số thế giới sẽ cùng chìm trong ban đêm. Ảnh: TIME AND DATE
Khi ấy, mặt trời sẽ chiếu sáng một nửa địa cầu và còn lại sẽ chìm trong bóng tối, những người sống ở đó sẽ trải qua ban đêm.
Lý do có tới 86% dân số thế giới trải qua bóng tối trong ngày 7/12 là bởi các khu vực đông dân cư nhất trên thế giới của trái đất sẽ ở khu vực không được mặt trời chiếu sáng, bao gồm gần như toàn bộ châu Á, nơi sinh sống của khoảng 60% dân số.
Trong khi đó, Châu Mỹ, New Zealand và hầu hết Australia vài thời điểm đó sẽ là ban ngày. Dù đây cũng là những khu vực rộng lớn nhưng có tương đối ít người sống ở đó. Bắc và Nam Mỹ cộng lại chỉ chiếm khoảng 13% dân số toàn cầu.
Được biết, để tính được khoảng thời gian này, các nhà nghiên cứu thiên văn học đã cung cấp dữ liệu mặt trời thu thập theo từng ngày trong năm 2022 và dữ liệu dân số từ Trung tâm Mạng Thông tin Khoa học Trái đất Quốc tế tại Đại học Columbia. Sau đó, họ tiếp tục tính toán dữ liệu dân số theo ngày, đêm và ba giai đoạn chạng vạng trong mỗi phút vào mỗi ngày trong năm.
Cũng theo các thuật toán của nhóm nghiên cứu, vào lúc 19h39 ngày 27/12 (tức 2h39 giờ Việt Nam ngày 28/12) là thời điểm bóng tối bao trùm cao nhất, chiếm khoảng 86,11% dân số thế giới. Tiếp đó, vào lúc 21h44 ngày 21/12 (tức 4h44 giờ Việt Nam ngày 22/12), khoảng 88,14% dân số thế giới sẽ trải qua thời điểm ánh sáng chạng vạng.
Minh Hạnh (Theo EarthSky)