Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Hồi sức tích cực” cho nền kinh tế khi Covid-19 vẫn sẽ còn đeo bám

(DS&PL) -

Nhằm đảm bảo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa hồi phục kinh tế, Chính phủ liên tục đưa ra chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Nhằm đảm bảo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa hồi phục kinh tế, Chính phủ liên tục đưa ra chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Bên cạnh những thuận lợi đó, nhiều Hiệp hội kinh doanh cũng kiến nghị Ngân hàng cần sớm có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”.

Liên tiếp hỗ trợ “máy trợ thở” cho doanh nghiệp

Trong thời gian diễn ra dịch Covid- 19, các doanh nghiệp, đặc biệt là vừa và nhỏ đã chịu tác nhiều động tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh. Nhằm giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đầu tháng Ba, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp cấp bách để cứu doanh nghiệp khỏi tình thế khó khăn, đây được coi như “máy trợ thở” dành cho các cá thể kinh tế của xã hội. Cụ thể, với Chỉ thị 11 của Chính phủ, đã có 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hướng tới doanh nghiệp, người lao động bị mất việc, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Dự thảo, với phương châm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội. Dự thảo đề xuất giảm nhiều loại phí giúp đỡ, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong đó, việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ giao bộ Tài chính thực hiện ngay theo thẩm quyền, ban hành thông tư cụ thể để miễn, giảm phí, lệ phí.

Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện việc miễn, giảm phí, nhất là phí cầu đường, phí cảng biển, phí bảo trì đường bộ, giá dịch vụ hàng không theo quy định.

Ngoài ra, bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong 4/2020, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt nghiên cứu giảm thêm đối với mặt hàng xăng sinh học.

Dự thảo đề xuất giảm tới 50% lệ phí trước bạ đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020. Các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020 nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Miễn, giảm 50% thuế suất VAT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, hàng hóa nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp. Xem xét việc hoàn thuế VAT trong năm 2020 cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, trực tiếp bởi dịch Covid-19 như hàng không, du lịch. Bộ Giao thông và vận tải chủ trì, báo cáo Chính phủ thực hiện áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa.

Ngân hàng Nhà nước cung cấp các khoản vay ưu đãi về lãi suất cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chịu thiệt hại nặng do dịch Covid-19 (doanh thu quý I và quý II/2020 giảm trên 50%, có số lao động đóng bảo hiểm xã hội trên 100 lao động, nộp ngân sách cao).

Chính phủ giao bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Đôn đốc phối hợp với các cơ quan trong việc hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện, miễn, giảm lãi suất, chi phí đối với các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp khoảng 2%, nhất là đối với các khoản cho vay trước khi xảy ra dịch bệnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

“Hồi sức tích cực” cho nền kinh tế khi Covid-19 vẫn sẽ còn đeo bám - Hình minh họa

Kiến nghị ngân hàng giúp đỡ

Thông tin tới PV Đời sống & Pháp luật, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, chiều 23/4, Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị về giải quyết khó khăn của ngành BĐS. Trong đó, Hiệp hội tập trung kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm triển khai Thông tư 01/2020 để doanh nghiệp và người mua nhà có thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ gần 300 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng thương mại cần hỗ trợ doanh nghiệp BĐS theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Bên cạnh đó, cần có chính sách tương tự để hỗ trợ đối với người vay mua nhà ở thương mại.

Để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng” theo Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng.

Nhưng trong tình thế hiện tại đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó khác với giai đoạn bình thường. Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét các giải pháp đề xuất “Xây dựng bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù, chỉ áp dụng cho năm 2020” cho phù hợp.

“Bởi, nếu tại thời điểm này vẫn phải áp dụng 100% các tiêu chuẩn hoạt động tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì rất khó cho cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bày tỏ.

Giao thông vận tải là một trong ngành được xác định chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Theo ông Đỗ Văn Bằng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, Giám đốc hãng xe Sao Việt cho biết, ngành vận tải thậm chí còn bị tê liệt.

“Ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, từ khi có Nghị định cách ly xã hội, rất nhiều doanh nghiệp phải dừng lại, không hoạt động, khiến toàn ngành vận tải tê liệt.

Đến ngày 23/4, Chính phủ ban hành quy chế cách ly mới thì ngành vận tải cũng được nới ra để có thể hoạt động trở lại với cơ số 30%. Dù đó là con số khiêm tốn nhưng theo vị Chủ tịch, với 30% công lúc này là hợp lý.

Bởi dù cho hoạt động lại 100% thì doanh nghiệp cũng không thể nào hoạt động được bởi giờ lượng khách đi xe cũng sẽ chưa cao. Nói chung ngành vận tải vẫn sẽ gặp khó khăn trong một thời gian nữa”, ông Bằng giãi bày.

Cũng theo ông Bằng: “Dù khó khăn nhưng giờ cũng là lúc doanh nghiệp phải chung tay với Chính phủ, chung tay cùng cả nước để có thể đẩy lùi dịch Covid-19, vượt qua thời gian khó khăn này”.

Về kiến nghị, trước những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra, Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan kiến nghị có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải.

Tương tự Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội vận tải Hà Nội tập trung kiến nghị các ngân hàng và tổ chức tín dụng cho phép doanh nghiệp giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải hoặc đang thế chấp tại tổ chức cho vay vốn.

Ngoài ra đơn vị cũng kiến nghị giảm phí BOT từ 3 - 5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải, cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí lao động cho các doanh nghiệp vận tải.

Địa phương đẩy mạnh phục hồi kinh tế

Song song với công tác chống dịch, hiện các tỉnh, thành đều đang triển khai mạnh việc phục hồi kinh tế, ổn định sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội.

Trao đổi với phóng viên Đời Sống & Pháp luật, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong suốt những ngày qua tỉnh Vĩnh Phúc liên tục tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận để đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tình hình dịch bệnh.

Để giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ, rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh chủ trương thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các huyện, thành phố; duy trì hiệu quả hoạt động đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời giải quyết các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.

“Đặc biệt, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo nhằm tham mưu xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”, ông Trì nói.

Mặc dù là địa phương chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thuộc nhóm đầu tiên tại Việt Nam với tâm dịch Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) nhưng ba tháng đầu năm, Vĩnh Phúc vẫn có 260 doanh nghiệp được thành lập (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng vốn đăng ký gần 2 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã cho phép các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở kinh doanh dịch, ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, lưu thông hàng hoá, xuất nhập khẩu sẽ được phép hoạt động trở lại.

Ngoài ra, các cửa hàng ăn sáng, cắt tóc, xe ôm yêu cầu cam kết không được tập trung quá 20 người. Các cửa hàng lập sổ theo dõi thông tin khách hàng (số điện thoại, tên tuổi, địa chỉ) và hạn chế tối đa phục vụ tại chỗ.

Chiều 23/4, UBND tỉnh đã họp và yêu cầu các Sở, ngành phản ánh đúng tình hình, tác động khách quan của dịch bệnh đối với kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó tham mưu cho UBND tỉnh các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh; tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho các đối tượng được bị ảnh hưởng do dịch bệnh...

Ngoài gói cứu trợ 62 nghìn tỷ đã được Thủ tướng ký quyết định thông qua, dự thảo lần này cũng đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, nông dân. Tạm thời giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Đặng Thủy - Tuấn Linh

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (67)

Tin nổi bật