Các chuyên gia luật cho rằng bên cạnh việc ghi âm, ghi hình cần có sự tham gia của luật sư trong quá trình hỏi cung.
Mới đây, Thông tư 03 quy định về quá trình ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử chính thức có hiệu lực từ ngày 18/3/2018.
Nhiều ý kiến hy vọng thông tư này sẽ giúp giảm án oan sai, bức cung nhục hình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu luật, luật sư cũng bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện thông tư sao cho thật sự hiệu quả.
Theo ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư Pháp mục đích quy định này đáng hoan ngênh, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình tố tụng.
|
Quy định phải ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung được hy vọng sẽ giảm bớt án oan sai |
Vấn đề khiến nhiều người băn khoăn về lộ trình thực hiện của thông tư là đến tháng 1/2020, việc ghi âm ghi hình có âm thanh được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Vậy trường hợp luật sư phát hiện điều tra viên không ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung thì có thể kiến nghị đó là sai phạm hay không.
“Tôi cho rằng luật sư bảo vệ cho bị can vẫn có quyền kiến nghị đây là sai phạm . Đối với những nơi có đủ điều kiện trang thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng điều tra viên không thực hiện. Còn những nơi chưa có điều kiện thì phải chấp nhận, không thể bắt buộc được”, ông Sơn cho hay.
Nguyên Cục trưởng cục kiểm tra văn bản cho rằng, để thực hiện tốt thông tư này, cơ quan điều tra phải phân loại những nơi đã đủ và chưa đủ điều kiện ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, làm theo từng bước.
Luật sư Long Xuân Thi, Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng đây là “bước tiến quan trọng” trong hoạt động tố tụng, tăng sự khách quan trong quá trình điều tra, .Đảm bảo quyền lợi của bị can trong quá trình hỏi cung.
Theo luật sư Thi, nếu chưa được áp dụng rộng rãi thì trong các buổi hỏi cung, quá trình ghi biên bản hỏi cung cần có sự tham gia của các luật sư thì sẽ đảm bảo tính khách quan.
Luật tố tụng của Việt Nam quy định trường hợp những bị can, bị cáo có mức hình phạt theo quy định của pháp luật từ 20 năm đến trung thân, tử hình mới bắt buộc phải có luật sư.
“Sự có mặt của luật sư thể hiện cơ chế giám sát đối với cơ quan điều tra, buộc các cán bộ điều tra phải thực hiện việc điều tra, xét hỏi, lấy cung theo đúng quy định của pháp luật. Điều tra viên sẽ không thể dùng các biện pháp như bức cung, hay nhục hình.
Bên cạnh đó sự có mặt của luật sư có thể giúp cho họ an tâm hơn khi khai báo với cơ quan điều tra”, luật sư Thi bày tỏ.
Thông tư 03/2018 quy định về hoạt động ghi âm - ghi hình khi hỏi cung:
Cán bộ hỏi cung bị can được quyền lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc ghi âm - ghi hình được thực hiện tại trụ sở cơ quan điều tra. Nếu không bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai.
Nếu đang hỏi cung xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải hỏi ý kiến người được hỏi cung. Nếu họ đồng ý thì tiếp tục lấy lời khai, nếu họ không đồng ý phải dừng hoạt động hỏi cung.
Hệ thống máy chủ được đặt tại cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra. Kết quả của việc ghi âm - ghi hình được sử dụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để đánh giá chứng cứ nhằm làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo.
Cấm chỉnh sửa, cắt ghép, giả mạo, hủy trái phép, làm sai lệch, thất lạc dữ liệu ghi âm - ghi hình.Hội đồng xét xử được quyết định việc cho nghe, cho xem nội dung được ghi âm - ghi hình tại phiên tòa khi thấy cần thiết, khi bị can tố cáo bị bức cung, nhục hình trong quá trình hỏi cung hay khi có đề nghị của những người tiến hành tố tụng.
Tất Định