Năm học mới chính thức bắt đầu tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc học tập của học sinh ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Tại TP.HCM, học sinh toàn TP phải chuyển sang hình thức học trực tuyến.
TP.HCM triển khai nhiều biện phát hỗ trợ cho học sinh gặp khó khăn trong việc học online. Ảnh minh họa: VOV
Thông tin tại Tọa đàm trực tuyến "Năm học mới trong đại dịch" vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Hiếu- Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, hiện có khoảng 77.000 học sinh TP.HCM không có điều kiện học tập trên internet. Số liệu trên bao gồm cả những khó khăn về đi lại, thiếu thiết bị, đường truyền, không có phụ huynh kèm cặp…
Thực tế, còn khoảng 51.000 học sinh tiểu học gặp khó khăn khi học trực tuyến trong đó có khó khăn về đường truyền internet khi học.
Trong tờ trình gửi UBND TP ngày 6/9, sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất hỗ trợ bằng các thiết bị thông minh có sẵn trên thị trường, phù hợp yêu cầu học trên Internet, có sim 3G, 4G, 5G hoặc Wi-Fi, có cấu hình tương thích các phần mềm dạy và học trực tuyến hiện nay.
Sở này cũng đề xuất kêu gọi phụ huynh, cá nhân, tổ chức, công ty, trường đại học cung cấp thiết bị cũ đã qua sử dụng theo đơn vị trường (ATM máy tính), dự kiến khoảng 40.000 thiết bị.
Trường học sẽ vận động, điều phối, tiếp nhận, sửa chữa và cài đặt phần mềm phù hợp cho học sinh.
Phía TP cũng đã có nhiều giải pháp như chung sức với doanh nghiệp trao tặng máy tính bảng, thiết bị học tập cho học sinh. Ngoài chỉ đạo của sở GD&ĐT, các trường cũng thực hiện các giải pháp như vận động phụ huynh góp, trao tặng, vận động các doanh nghiệp… cùng chung tay hỗ trợ học sinh khó khăn.
“Sắp tới, sở GD&ĐT sẽ xin UBND TP chủ trương để các đơn vị giới thiệu các gói giải pháp như thiết bị, đường truyền để cung ứng cho các trường và các em học sinh. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là dù phụ huynh có tiền cũng không mua được bởi việc đi lại khó khăn nên máy tính hỏng, máy cũ, ngay cả giáo viên cũng không thể đi sửa để giảng dạy.
Đối với trường hợp những học sinh vẫn không thể học trên internet, chúng tôi xây dựng phiếu học tập, ban đầu thầy cô sẽ giao bài, sau đó đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu các phiếu đó đưa lại giáo viên để thầy cô biết được các em đang học ở mức độ nào.
Sở cũng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cho những đối tượng học sinh này, làm sao để các em vẫn có thể tiếp cận được việc học một cách thuận lợi nhất. Đối với những học sinh đang kẹt ở các tỉnh thì trên cơ sở chỉ đạo của bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT TP.HCM đều đã làm việc với các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi học tập cho các em”, VOV dẫn lời Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM.
Bạch Hiền (t/h)