Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Học sinh bỏ học đại học đi làm công nhân, vì đâu nên nỗi?

(DS&PL) -

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 là 886.650 em, trong đó, 652.980 em (chiếm gần 74%) đăng ký vào đại học, hơn 230.000....

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 là 886.650 em, trong đó, 652.980 em (chiếm gần 74%) đăng ký vào đại học, hơn 230.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm nay. Bỏ thi đại học để đi làm công nhân đang trở thành một trào lưu, được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn là con đường vào đời của mình.

Bỏ thi đại học vì sợ ra trường không xin được việc làm

Thực trạng cử nhân thất nghiệp, học xong đại học không xin được việc làm phải “treo bằng” đi làm công nhân được thông tin hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này khiến cho nhiều học sinh THPT hoang mang, “từ chối” học đại học để đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT.

Năm 2019 có 230.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học. (Ảnh minh họa)

Dù điều kiện kinh tế gia đình khá ổn định, có kết quả học tập tốt nhưng em Nguyễn Thu Hằng (học sinh lớp 12, Trường THPT Quế Võ số 1 – Bắc Ninh) vẫn không đăng ký xét tuyển vào đại học mà quyết định tốt nghiệp cấp 3 xong sẽ đi làm công nhân tại KCN gần nhà.

Chia sẻ lý do bỏ ngang việc học hành, Hằng cho biết không muốn mất thời gian, công sức và tiền bạc vào việc học đại học để rồi học xong lại đi làm công nhân hoặc thất nghiệp ở nhà. 

Tâm lý sợ học đại học xong không xin được việc là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ “từ chối” học đại học đi làm công nhân. (Ảnh minh họa)

Hằng tâm sự, trước đó cũng từng có ý định học đại học, nhưng chứng kiến nhiều anh chị đi trước tốt nghiệp đại học thất nghiệp nên quyết định từ bỏ.

Khi được hỏi, có tiếc không khi không lựa chọn học đại học, Hằng thẳng thắn trở lời không thấy tiếc. “Đi làm sớm, kiếm được tiền sớm, em sẽ giúp đỡ được gia đình và thoải mái làm những gì mình thích. Đặc biệt, học xong đại học mà không có việc làm đúng chuyên ngành thì rất phí công sức, thời gian và tiền bạc”, Hằng nói.

Theo đó, tốt nghiệp THPT xong, Hằng sẽ làm hồ sơ xin làm công nhân tại KCN Quế Võ. Hằng sẽ vừa làm công nhân, vừa học tiếng để chờ cơ hội đi xuất khẩu lao động.

Cũng như Hằng, Bùi Huyền Anh, sinh năm 2001, ở Đông Anh – Hà Nội cũng không đăng ký thi đại học vì sợ học ra sẽ không xin được việc làm.

“Em thấy nhiều anh chị học giỏi, học ở các trường đại học lớn nhưng khi tốt nghiệp cũng không xin được việc làm, phải đi làm thuê đủ nghề vất vả để kiếm sống. Nhìn cảnh đó em rất nản nên quyết định không thi đại học…”, Huyền Anh tâm sự.

Bỏ thi đại học đi làm công nhân, lên thành phố làm thuê đang trở thành trào lưu trong giới trẻ hiện nay. (Ảnh minh họa)

Huyền Anh cho biết thêm, trong lớp của em rất nhiều bạn có lựa chọn giống mình. Hầu hết các bạn đều muốn đi làm kiếm tiền để vừa phụ giúp gia đình, vừa làm chủ cuộc sống của mình. 

“Tốt nghiệp xong em sẽ xin đi làm công nhân 1 vài năm, tích góp tiền để đi học nghề. Tương lai em muốn mở 1 spa làm đẹp. Đại học không phải là con đường vào đời duy nhất…”, Huyền Anh nhận định.

Phụ huynh hoang mang

Trước thực trạng, học sinh đua nhau bỏ thi đại học đi làm công nhân, lên thành phố làm thuê kiếm tiền, những phụ huynh có con học lớp 12 cũng rất hoang mang, lo lắng.

Anh Trần Minh Đước, 48 tuổi, ở Hiệp Hòa – Bắc Giang chia sẻ: “Con gái chuẩn bị thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học mà thấy báo đài ra rả đưa tin cử nhân thất nghiệp, tôi thấy rất hoang mang và lo lắng lắm. Không cho con học đại học thì thấy có lỗi với tương lai của con mà học xong không xin được việc thì thấy phí thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, tôi vẫn tôn trọng lựa chọn và quyết định của con…”

Chia sẻ với chúng tôi, những phụ huynh có con bỏ thi đại học đi làm công nhân dù kết quả học tập tốt, họ thấy tiếc cho con nhưng khi nghĩ đến việc cử nhân thất nghiệp phải đi làm công nhân họ lại ủng hộ quyết định của con em mình.

Đi làm sớm hay học lên đại học?

Thống kê từ Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 là 886.650 em. Trong đó, 652.980 em (chiếm gần 74%) đăng ký vào đại học. Như vậy, hơn 230.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm nay. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, có tới gần 70% học sinh không đăng ký thi đại học.

Chia sẻ với chúng tôi, TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam nêu quan điểm: Đại học không phải là con đường học tập duy nhất; bằng đại học không đảm bảo cho bất kỳ ai một cuộc sống dễ chịu hơn nếu bản thân người đó không cố gắng, không nỗ lực học tập và tích lũy tri thức. Tuy nhiên, vào đại học là một lợi thế cạnh tranh lớn. Trường đại học mang đến cho chúng ta cơ hội và điều kiện tốt nhất để tiếp cận tri thức một cách cơ bản, bắt nhịp được cuộc sống hiện đại. Bằng đại học là giấy thông hành quan trọng đưa bạn đến với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. 

Trường đại học mang đến cho chúng ta cơ hội và điều kiện tốt nhất để tiếp cận tri thức một cách cơ bản, bắt nhịp được cuộc sống hiện đại.

"Những trường hợp không học đại học nhưng vẫn thành công như Bill Gates, Steve Job rất hiếm hoi, mang tính chất động viên kiểu AQ cho những người không học đại học chứ không mang tính chất xây dựng để giới trẻ noi gương...", TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Lê Đắc Sơn, bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con em của mình được học hành đến nơi đến trốn, bằng bạn bằng bè. Việc để con dang dở học hành là chuyện "cực chẳng đã", vì hoàn cảnh. ""Đi làm sớm" có thể giúp giải bài toán kinh tế trước mắt nhưng hệ lụy của nó với cá nhân, gia đình và xã hội rất lớn. Thử tưởng tượng khi bạn bước sang tuổi 35 - 40, sức khỏe cơ bắp giảm sút, thai sản, ốm đau các công ty cò còn tuyển dụng bạn? Chưa kể, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi cuộc sống của con người từng giờ, từng phút; nếu không có học tập, không có tri thức, bạn làm sao có thể bắt kịp những thay đổi đó để tồn tại và phát triển? Và tất nhiên, một đất nước "toàn thợ" cũng không thể nào phát triển được..." TS. Lê Đắc Sơn chia sẻ.

Được biết, năm học 2019-2020, Trường ĐH Đại Nam tuyển sinh ở 13 ngành học với 1.530 chỉ tiêu theo hai hình thức xét tuyển. Chi tiết xem Tại đây

Đặc biệt, với mục đích tuyển chọn những sinh viên có khả năng và ý thức học tập tốt ngay từ khâu đầu vào; khuyến khích sinh viên phát huy nền tảng kiến thức vốn có, thi đua nhau trong học tập, nghiên cứu khoa học để đạt được kết quả học tập tốt nhất, Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu Trường ĐH Đại Nam quyết định trao nhiều suất Học bổng Khuyến tài giá trị cho tân sinh viên khóa 13. Chi tiết xem Tại đây.

Thu Hòe

Tin nổi bật