Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Học online: Kiểm tra trực tuyến thế nào cho minh bạch và công bằng?

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Nhiều chuyên gia giáo dục trăn trở đi tìm lời giải cho việc ra đề thi và cách thức kiểm tra khi học trực tuyến thế nào cho khách quan và công bằng.

Nên chậm nhịp kiểm tra lại

Vừa qua, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các địa phương về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh quay lại trường học. Trong đó, khẳng định điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình ở các vùng, miền có sự khác nhau dẫn đến kết quả học tập của học sinh chưa đồng đều.

Học sinh học online.

Trước câu chuyện trên, TS. Nguyễn Hoàng Chương (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho rằng, chất lượng học sinh không đồng đều không chỉ là câu chuyện giữa các vùng miền, hay giữa các trường trên cùng một địa phương, hoặc ngay cả giữa các lớp trong cùng một trường,... Trước thực tế này, với vai trò người thầy suốt gần 40 năm dạy học, ông cho biết, bản thân cũng luôn trăn trở đi tìm câu trả lời.

TS. Nguyễn Hoàng Chương nêu quan điểm: “Để “rút ngắn” khoảng cách giữa các học sinh trong giai đoạn dạy học trực tuyến, đầu tiên, yếu tố quan trọng nhất không thể không kể đến người thầy. Như một triết lý xưa nay “Không thầy đố mày làm nên”, thầy giỏi mới đào tạo nên trò giỏi, vậy nên, trước hết, người thầy phải cập nhật, làm chủ công nghệ, giỏi kỹ năng.

Thứ hai, bản thân học sinh cũng cần phát huy khả năng học và tự học. Giữa các học sinh với nhau cũng cần có sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau, bởi lẽ, “học thầy không tày học bạn”.

Bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp từ phía phụ huynh. Mặc dù, tôi biết rằng, có nhiều gia đình khó khăn, hằng ngày còn phải lo “cơm áo gạo tiền” đâu phải chỉ có mỗi việc chăm chăm lo việc học của con. Tuy nhiên, dù sao, muốn con trẻ được giáo dục tốt, gia đình cũng không thể phó mặc 100% con mình cho thầy cô, nhà trường.

Tiếp đến, là vai trò của nền tảng công nghệ, không thể dạy trực tuyến tốt khi không đáp ứng trang thiết bị. Như tại địa phương tôi, ngay những ngày đầu khảo sát điều kiện học online của học sinh, chỉ mới có chưa đến 50% đáp ứng. Con số này khiến tôi phải ái ngại. Tuy nhiên, chính sự linh hoạt của giáo viên đã tìm được cách khắc phục: Một số học sinh ở gần nhau sẽ cùng học chung, hoặc các bạn khác ở xa hơn thì có thể đến học trực tiếp với cô”.

“Ngoài ra, đối với chương trình học: Từ thầy cô, học sinh đến các cấp quản lý cũng chưa hẳn quen với phương pháp dạy học online. Chính vì vậy, ngay cả chương trình của Bộ GD&ĐT mới “cắt gọt”, cũng chỉ mới giải quyết được “bề nổi của tảng băng chìm”.

Chúng ta phải xây dựng lại chương trình trong nhà trường, phải hết sức tinh gọn, tinh gọn hơn nữa. Và nếu cứ chạy theo kiến thức mới, cả thầy và trò sẽ chịu thêm những áp lực, áp lực tăng lên nhiều lần, dẫn đến việc dạy học trực tuyến tạo ra phản ứng ngược không nhỏ đối với học sinh.

Đối với vấn đề kiểm tra trực tuyến cũng vậy, phải kiểm tra như thế nào đang là vấn đề lớn. Phải xây dựng hệ thống “ma trận” thống kê đề kiểm tra ra sao cho phù hợp với dạy trực tuyến trong bối cảnh này. Điều này đòi hỏi các nhà trường cũng phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Mặc dù các thầy cô đang đề cập đến việc thi cử này dựa trên niềm tin với học sinh, tìm những phương pháp để chống gian lận trong thi cử online,... nhưng, xin lưu ý, đây sẽ là kết quả ghi vào học bạ, có thể trở thành căn cứ xét tốt nghiệp, hoặc tuyển sinh đầu cấp,... vậy nên, rất cần được kiểm soát tính minh bạch và công bằng.

Vậy nên, chúng ta nên làm chậm lại nhịp kiểm tra, giúp học sinh bổ sung kiến thức lại sau khi trở lại trường. Vì học sinh đã có thời gian nghỉ học tại trường khá dài nên cần thời gian cho “quen nhịp”, bỏ qua “quán tính” khi đang học online, thì mới tổ chức kiểm tra kiến thức. Chúng ta cũng đã xác định chấp nhận kéo dài năm học, nên hãy làm một cách thật nghiêm túc, nhà trường cần linh hoạt, tạo điều kiện cho mỗi học sinh, thúc đẩy hiệu quả học tập, để có thể “rút ngắn” khoảng cách giữa các học sinh”, ông Chương phân tích thêm.

Một số giáo viên khi được hỏi về vấn đề kiểm tra trực tuyến cũng cho rằng, khi cho học sinh làm bài kiểm tra online, nên chọn hình thức kiểm tra trắc nghiệm như vậy sẽ đánh giá được tốt nhất mức độ thông hiểu của học sinh. Học sinh phải hiểu bài mới làm được, không phải học vẹt, học thuộc lòng. Với kiểu ra đề này, thầy cô yên tâm về chất lượng kỳ thi, học sinh cũng khó quay cóp, gian lận. Với những môn như Văn học, tiếng Anh thì có thể dùng hình thức thi vấn đáp, hùng biện, thảo luận,... sẽ phát huy được tính sáng tạo của các em, thông qua đó cũng đánh giá khách quan học lực của từng học sinh.

Cần xây dựng hệ thống đề kiểm tra phát huy tính tư duy sáng tạo của học sinh

Trước những băn khoăn của dư luận về “chất lượng của những bài kiểm tra trực tuyến, liệu có đảm bảo tính công bằng, khách quan hay không?”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Nếu bắt buộc phải sử dụng hình thức thi trực tuyến, chắc chắn, phía Bộ GD&ĐT cũng sẽ có tính toán kỹ lưỡng, để hạn chế những tiêu cực, gian lận.

Nếu bắt buộc phải làm bài kiểm tra trực tuyến, ngành giáo dục phải xây dựng được hệ thống đề kiểm tra đáp ứng được khả năng và tư duy sáng tạo cho học sinh, không thể chỉ tập trung vào kiển tra kiến thức đơn thuần. Những dạng “đề mở” sẽ đảm bảo học sinh khó có thể gian lận, dù có mở sách, mở vở hay truy cập Internet cũng khó có đáp án chính xác giống nhau.

Bên cạnh đó, vai trò của các bậc phụ huynh cũng rất quan trọng, trong việc đồng hành cùng thầy cô và nhà trường, để đảm bảo học sinh có mọt bài thi nghiêm túc”.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, dạy học qua truyền hình đang là phương pháp tối ưu.

Trao đổi thêm với PV, về phương pháp học online, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ: “Tôi cho rằng, trong bối cảnh thực tiễn tại Việt Nam, chúng ta không nên quá lạm dụng học trực tuyến, nhất là đối với lứa tuổi học sinh mầm non, tiểu học, thậm chí là THCS.

Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện dạy học qua truyền hình, tuy nhiên, theo tôi, đó chỉ là mang tính chất “thí dụ”. Chúng ta phải làm một cách thực sự. Chẳng hạn. Với mỗi khối lớp sẽ có một kênh riêng, có thể thống nhất giờ học, lịch học cố định như thời khóa biểu của một buổi học trực tiếp tại trường, tất nhiên, sẽ có khung giờ nghỉ giải lao phù hợp cho học sinh. Khi đó, học sinh lớp 1 trên cả nước sẽ theo dõi ở một kênh, lớp 2 riêng một kênh, tương tự như vậy với cả 12 khối lớp phổ thông.

Việc phát huy vai trò của dạy học qua truyền hình trước hết nhằm giúp học sinh theo dõi qua màn hình tivi sẽ tiện hơn, kích thước màn hình cũng lớn hơn qua điện thoại, sẽ đỡ ảnh hưởng hơn đến đôi mắt học sinh, phần nào hạn chế được tình trạng giảm thị lực ở trẻ”.

“Bên cạnh đó, khi sử dụng hình thức dạy học qua truyền hình, chúng ta hoàn toàn có thể tuyển chọn được giáo viên giỏi, dạy chung cho nhiều học sinh, khi đó, chất lượng giảng dạy sẽ đồng đều hơn trên cả nước, vừa giảm tải đường truyền, lại tiết kiệm giáo viên, nhất là trong lúc chúng ta đang thiếu giáo viên.

Với hình thức này, chúng ta hoàn toàn có thể “phủ sóng” tốt hơn, nếu làm chuyên nghiệp hơn, xây dựng chương trình của từng khối lớp theo kênh phát sóng riêng, chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn. Theo quan điểm của tôi, dạy học qua truyền hình đang là một phương tiện tối ưu hiện nay”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá.

Đặc biệt, khi tổ chức dạy học qua truyền hình, chúng ta sẽ hạn chế những sự cố trong lúc học online cho cả đội ngũ giáo viên và học sinh, sẽ giảm bớt những nguy cơ mất an toàn cho học sinh khi học trực tuyến tại nhà. Chẳng hạn, với học sinh sử dụng thiết bị điện tử cũ để học và vừa học vừa sạc thiết bị, sẽ khá nguy hiểm. Vậy nên, để học sinh học qua truyền hình cũng khiến trẻ tránh được một số sự cố”, PGS.TS nhấn mạnh.

Nhiều hình thức kiểm tra khác nhau

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường có thể triển khai nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá mới thay vì chỉ kiểm tra trên giấy như trước đây. Việc đánh giá định kỳ gồm đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ. Điểm đánh giá định kỳ sẽ được tính vào kết quả tổng kết học kỳ và cả năm học của học sinh.

Việc đánh giá được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc qua máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Điều này có nghĩa giáo viên có thể kiểm tra bằng nhiều hình thức khác nhau, miễn sao đảm bảo đánh giá được mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các bài học.

Theo TS. Lê Thái Hưng - Trưởng khoa Quản trị Chất lượng, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, việc đầu tiên mà các nhà trường cần làm đó là có hướng dẫn đối với giáo viên các tổ bộ môn để thống nhất với nhau những nội dung và mục tiêu học tập mà chúng ta lựa chọn để dạy cũng như kiểm tra đánh giá. Từ đó, các bài kiểm tra đánh giá phải bám sát được các mục tiêu học tập đó.

Bên cạnh đó, khi kiểm tra online cần phải có quy chế và yêu cầu. Những yêu cầu này cần phải công khai đối với phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Ví dụ như đảm bảo các điều kiện: Có camera giám sát, bật mic khi học sinh làm bài và cần chuẩn bị thêm những vấn đề xử lý sự cố khi học sinh làm bài bị nghẽn mạng hoặc mất điện thì nhà trường cũng nên có văn bản chính thức để giúp cho học sinh và phụ huynh đỡ hoang mang, lo lắng.

Một điểm mà theo TS.Hưng cũng rất quan trọng, đó là cần hình thành cho các con một thói quen, văn hóa khi tham gia các hoạt động kiểm tra đánh giá.

Chia sẻ với báo chí, chị Mai Khanh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gần nửa năm nay, hai con của chị một cháu học lớp 10, cháu khác học lớp 7 vẫn hằng ngày học online đúng giờ, chăm chỉ học và luôn hoàn thành bài tập thầy cô giao.

"Chúng tôi không can thiệp nhiều trong quá trình ôn tập, kiểm tra của con. Vì các cháu đều lớn rồi, có vấn đề gì thì các cháu tự liên hệ với thầy cô. Bản thân phụ huynh cũng nghĩ việc học là cả một quá trình chứ không phải chỉ bài kiểm tra giữa kỳ này nên chúng tôi không đặt nặng kết quả môn học của con.

Khi các cháu làm bài thi, nếu con gặp trục trặc về về phần mềm hay máy móc thì bố mẹ sẽ hỗ trợ, còn bài thi thì con phải tự làm. Đây cũng là thử thách tính tự giác và trung thực của các con" - chị Khanh chia sẻ.

Tuệ Nhi

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2(175)

Tin nổi bật