(ĐSPL) - Một học giả Pháp cho rằng tính toán của ban lãnh đạo Trung Quốc do ông Tập Cận Bình đứng đầu có thể đang dẫn tới một sai lầm chiến lược lớn.
|
Giáo sư Jean-Francois Huchet |
Trao đổi với BBC hôm 23/5 từ Viện Nghiên cứu quốc gia về Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông (INALCO) của Pháp tại Paris, Giáo sư Jean-Francois Huchet nói Trung Quốc cần thận trọng, nếu không muốn mắc sai lầm chiến lược khi làm cho Việt Nam và nhiều nước láng giềng phẫn nộ vì những hành động “khiêu khích và thách thức” chủ quyền.
Sai lầm chiến lược này có thể xảy ra, khi hàng loạt các quốc gia láng giềng ở khu vực bị Bắc Kinh đẩy vào tình thế phải “bắt tay nhau” trong một hình thức “liên minh mới” được Mỹ hậu thuẫn để đối phó với Trung Quốc.
Sau một loạt các diễn biến, Trung Quốc đã đang nhận thấy một tình thế nguy hiểm sắp xảy ra, khi một loạt quốc gia láng giềng từ Nhật Bản tới Việt Nam, hay Philippines và Hàn Quốc thảo luận với nhau và đều nổi giận với Trung Quốc. Giáo sư Jean-Francois Huchet nhận định: "Các hành động của Trung Quốc không chỉ gây ra các xung đột đơn lẻ với từng quốc gia bị Trung Quốc khiêu khích, thách thức, mà còn tạo ra một dạng thức liên minh mới với Mỹ. Tôi nghĩ sẽ ngày một khó khăn hơn cho Trung Quốc đẩy tới các áp lực và đưa ra các hành động khiêu khích khác trong tương lai”.
Trung Quốc có khôn ngoan?
Trả lời câu hỏi liệu động thái đưa giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc (vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam) trên Biển Đông có phải là một động thái và tính toán “khôn ngoan” hay không, Giáo sư Huchet nói: "Rõ ràng là nếu Trung Quốc tiếp tục tỏ ra hung hăng trên các vùng biển ở khu vực như họ đã làm đặc biệt trong hai ba năm trở lại đây, chắc chắn các quốc gia bị thách thức và khiêu khích trong vùng sẽ tìm kiếm sự bảo vệ từ phía Mỹ. Chúng ta đã thấy xuất hiện hàng loạt các tuyên bố giữa các quốc gia đó với Mỹ. Mỹ cũng tích cực hoạt động và hiện diện nhiều hơn trong khu vực trong hai năm trở lại đây”.
"Tổng thống Obama đã nói Mỹ muốn trở lại ở khu vực và Washington cũng đã có lập trường rất mạnh mẽ, như trong chuyến thăm gần đây ở Châu Á. Tại Nhật Bản, ông Obama đã nói quần đảo Senkaku thuộc quyền tài phán của người Nhật. Mỹ đã đưa quần đảo này vào vùng bảo vệ của mình, do vậy, tôi nghĩ rằng mọi sự sẽ trở nên khó khăn hơn cho Trung Quốc nếu họ tiếp tục hung hăng, lấn tới”.
"Bởi vì các hành động này của Trung Quốc không chỉ gây ra các xung đột đơn lẻ với từng quốc gia bị Trung Quốc khiêu khích, thách thức, mà còn tạo ra một dạng thức liên minh mới với Mỹ. Liên minh này sẽ không chỉ giới hạn ở các khu vực như Biển Đông, hay Biển Hoa Đông, mà cũng liên quan tới cả nơi khác như Ấn Độ”.
Theo Giáo sư Huchet, hình thức liên minh nói trên sẽ khiến cho Trung Quốc “không dám hung hăng hơn và không dám mở rộng ảnh hưởng của nước này quá xa”.
Nếu Việt Nam kiện đòi Hoàng Sa?
Trước câu hỏi liệu động thái giàn khoan Hải Dương-981 có thể khơi mào một tình huống bất lợi hơn cho Trung Quốc, khi Việt Nam - sau hơn 40 năm “im lặng” - nay có thể vừa kiện Trung Quốc ra quốc tế về vụ giàn khoan, vừa kiện đòi Trung Quốc rút toàn bộ các lực lượng khỏi các đảo đã cưỡng chiếm trên quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 và trả lại chủ quyền cho Việt Nam, Giáo sư Huchet nói:"Trung Quốc hiện nay đang muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của mình và đẩy lui, đẩy hẳn Mỹ ra khỏi châu Á, để Trung Quốc có thể thống lĩnh khu vực, không chỉ về mặt kinh tế như trong 20 năm trở lại đây, mà còn thống trị về mặt quân sự và bảo vệ các nguồn năng lượng. Cho nên đây không chỉ là vấn đề về dầu lửa, câu chuyện đi xa hơn thế rất nhiều, thế nhưng Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này. Các quốc gia láng giềng - trong đó đương nhiên có Việt Nam, nước có lịch sử rất phức tạp với Trung Quốc – đã, đang và sắp đối đáp lại với những hành động đó. Do đó, tôi nghĩ Trung Quốc nên thận trọng mà không nên khiêu khích quá mức các quốc gia đó”.
|
Tập Cận Bình và bộ tham mưu của ông ta đã quyết định tiến hành trong vụ làm nóng khu vực Biển Đông từ đầu tháng Năm trở lại đây. |
Về câu hỏi tính toán gì đang thực sự diễn ra sau các động thái mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và bộ tham mưu của ông ta đã quyết định tiến hành trong vụ làm nóng khu vực Biển Đông từ đầu tháng Năm trở lại đây, Giáo sư Huchet nói: "Trước đây, nội bộ Trung Quốc có thể có tình huống một cánh quân sự nào đó trong ban lãnh đạo cao cấp có thể muốn tỏ ra mạnh mẽ và lấn lướt hơn bằng các động thái quân sự, so với cánh khác thiên hơn về ngoại giao. Nhưng qua những gì quan sát được, có thể đoán rằng các động thái đối ngoại và hướng ngoại cứng rắn vừa rồi của Trung Quốc cho thấy các cánh quân sự thiên về sức mạnh đã không hề có hành động nào mà không có sự nhất trí của Tập Cận Bình. Và tôi nghĩ đằng sau tất cả các động thái gần đây - từ thách thức, khiêu khích Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, Philippines và gần đây nhất là Việt Nam ở Biển Đông - rõ ràng là một toan tính nhằm thăm dò phản ứng của các quốc gia láng giềng và sự chống đối của Mỹ. Đương nhiên là nếu không có sự phản ứng nào đối kháng lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới, lấn lướt xa hơn và họ sẽ có nhiều các hành động khác”.
Giáo sư Huchet nói tiếp: "Thế nhưng, hiện thời Trung Quốc đã nhận thấy rằng Bắc Kinh đã tạo ra sự khiêu khích quá lớn và đã gây ra phản ứng rất mạnh ở Việt Nam. Tôi chắc rằng lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đang phải cân nhắc lại tình huống và chắc chắn họ sẽ phải thận trọng hơn với các hành động trong tương lai”.
Không thể trông đợi Liên minh Châu Âu
Được hỏi về việc liệu Liên minh Châu Âu (EU) có thể có vai trò nào đáng kể hay không, trong trường hợp Việt Nam kiện Bắc Kinh ra quốc tế về vụ giàn khoan, Giáo sư Francois Huchet nói: "Tôi có thể thẳng thắn nói rằng chúng ta không nên kỳ vọng bất cứ sự hậu thuẫn đáng kể nào của EU. Ở khu vực này của thế giới, EU có một ảnh hưởng rất yếu, họ còn đang quá bận rộn với nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan Ukraina. Tôi không nghĩ Liên minh Châu Âu sẽ có bất cứ một hành động nào ở khu vực này và thực tế EU không có thực lực hay sức mạnh quân sự để làm điều đó. Cường quốc duy nhất có thể làm được một điều gì đó thực sự có ý nghĩa ở khu vực là Mỹ, chứ không phải là Liên minh Châu Âu”.
Theo Giáo sư Huchet, ngoại trừ một vài tuyên bố mang tính chính trị, người ta không nên kỳ vọng thêm “bất cứ điều gì to tát” từ EU tại khu vực Biển Đông.
|
Trung Quốc muốn chơi những con bài để gây áp lực về an ninh, quân sự. |
Giáo sư Jean-Francois Huchet kết luận: "Trung Quốc đang thay đổi cách chơi. Trong một hai chục năm trở lại, họ xuất hiện ở khu vực Châu Á, Đông Nam Á như một đối tác đầu tư, hợp tác kinh tế. Thế nhưng sau khi được cho là đã nắm được nhiều lợi thế gây dựng được ở nhiều quốc gia trong khu vực, khẳng định được ảnh hưởng và vị thế kinh tài, họ lại muốn chuyển sang một bộ mặt khác, họ muốn chơi những con bài để đạt được sự thống trị ảnh hường và áp lực về an ninh, quân sự. Đây là điểm mà theo tôi, Trung Quốc phải hết sức thận trọng, nếu họ không muốn phạm phải một sai lầm lớn tạo ra một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực, cộng thêm với đối thủ lâu nay của họ là Mỹ”.