Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Họa sĩ già bán tranh trên cầu Long Biên

(DS&PL) -

Trong gần 40 năm làm nghệ thuật của mình, đây là lần đầu tiên họa sĩ Bình Minh phải đem những tác phẩm ra bày bán ở một góc cầu Long Biên.

Trong gần 40 năm làm nghệ thuật của mình, đây là lần đầu tiên họa sĩ Bình Minh phải đem những tác phẩm ra bày bán ở một góc cầu Long Biên. Ông chính là người thiết kế logo cho trường đại học Mỹ thuật công nghiệp bây giờ.

Khó khăn quá mới phải đem tranh bán trên cầu

Họa sĩ Bình Minh tên thật là Nguyễn Văn Minh (62 tuổi, Ngọc Lâm, Hà Nội), ông đã dành 3/4 cuộc đời của mình để cống hiến cho nghệ thuật. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về người họa sĩ ấy là sự đôn hậu, niềm nở và ánh mắt sáng bừng khi được hỏi về những bức tranh của mình. Ông Minh chia sẻ: “ Tôi mê vẽ lắm, cứ được vẽ là tôi vui rồi. Tôi đã bắt đầu mê mẩn nghiệp vẽ từ hồi 11 tuổi. Ban đầu chưa có trường đại học chuyên ngành mỹ thuật thì tôi đi học trung cấp, rồi cứ thế học lên cao đẳng, đại học. Tôi nhớ hồi ấy cả khóa có độ 150 sinh viên mà giờ sống bằng nghề cầm cọ vẽ chỉ còn trên dưới 10 người”.

Trò chuyện với phóng viên tạp chí ĐS&PL về việc tại sao phải đem tranh lên cầu để bán, họa sĩ Minh chia sẻ không chút ngập ngừng: “Mình đam mê nó, thì mình vẫn phải sống qua ngày, tôi bán tranh trên cầu thì cũng là cách để nhiều người biết đến tranh của tôi nhiều hơn thôi”. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc bán tranh của ông gặp khó khăn. Dù so với giá thị trường, tranh của ông được bán khá rẻ, dao động từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng.

Họa sĩ Bình Minh đang sáng tác tác phẩm của mình.

Không muốn nhìn những đứa con tinh thần của mình “chết” trong một góc nhà, ông quyết tìm cách đưa tranh của mình đến gần công chúng hơn bằng cách bày bán trên cầu Long Biên.

“Tôi bán tranh rẻ, không phải vì chất lượng kém, mà là tôi muốn công chúng có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật hơn. Đúng là đợt dịch này cũng khó khăn với tôi thật, nhưng đó không phải lý do mà có bức tranh tôi bán 100.000 – 200.000 đồng đâu, cái cốt lõi là tôi vẫn được vẽ, được cống hiến và theo đuổi đam mê của mình. Giờ bán đắt hơn, tôi vẫn có thể bán được, nhưng như vậy thì nhiều người muốn mua lại chẳng có điều kiện. Thôi thì mình bán rẻ đi một chút, lấy công làm lãi, đủ tiền mua họa cụ và trang trải cuộc sống là mừng”, ông Minh chia sẻ.

Đam mê chưa bao giờ tắt

Trong suốt gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật của mình, họa sĩ Bình Minh chưa từng mảy may nghĩ đến việc sẽ từ bỏ sự nghiệp. Vợ mất đã 16 năm, một mình “gà trống nuôi con”, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng nhưng ông vẫn quyết tâm bám nghề, theo đuổi đam mê. “Bán một bức không đủ thì tôi bán hai bức, ba bức. Tôi hoạt động chăm chỉ hơn thì chắc chắn vẫn có tiền trang trải cuộc sống”, ông hóm hỉnh trải lòng.

Không giống như một số bạn bè của mình, hoạt động nghệ thuật theo cảm hứng, ông Minh lại muốn hoạt động nghệ thuật vì đông đảo công chúng. Tranh bán đắt hay rẻ không quan trọng, miễn thỏa mãn được đam mê và người mua chúng cảm thấy vui vẻ là được. Vì vậy, trong gần 40 năm qua, ông đã sáng tác được hơn 6.000 tác phẩm. Có khách quen đã mua đến nay gần 300 tác phẩm của ông.

Tín hiệu tích cực từ công chúng

Cực chẳng đã mới phải bán tranh trên cầu, nhưng đấy lại chính là một cơ duyên. Nói chuyện với chúng tôi, cứ chốc chốc lại có người gọi điện thoại hỏi ông về việc bán tranh. Người thì ngỏ ý muốn mua tranh, người lại gọi điện động viên thăm ông.

Xưởng tranh nhỏ nằm bên Quốc lộ 5 mấy hôm nay nhộn nhịp hơn rất nhiều. Tranh ông vẽ cũng được bán gần hết. Lúc chúng tôi ghé thăm, ông đang sáng tác giở bức tranh về phố thị Hà Nội. “Tôi cũng không ngờ được việc mang tranh lên cầu bán lại đem lại hiệu ứng như vậy. Cứ nghĩ có thêm đồng ra đồng vào mà giờ nhiều người biết đến tranh tôi vẽ quá, đến tận xưởng mua khiến tôi vô cùng xúc động”.

Phòng trưng bày tranh của ông được hàng xóm cho mượn.

Họa sĩ Bình Minh mới mang tranh lên cầu bán được 3 lần, lần đầu thì bán được 2 bức, hai lần còn lại thì 4 - 5 bức. Nhiều người không mua cũng bỏ chút thời gian dừng lại để chiêm ngưỡng các tác phẩm. Ông đùa rằng đây là “triển lãm” tranh thành công nhất trong sự nghiệp của mình.

Tính ra với mỗi tác phẩm bán được, lãi lờ chẳng bao nhiêu. Trừ chi phí họa cụ thì bức nhiều ông thu về được 200.000 - 300.000 đồng, không thì có khi là hòa vốn. Nhưng ông lại không mấy lo lắng về việc này. “Tôi còn sức khỏe, tôi còn có thể vẽ, rồi dùng tiền đó để mua đồ nghề, thế là vui rồi”.

Mấy hôm nay có người liên tục đặt tranh, họa sĩ Minh gần như hoạt động không ngừng nghỉ. Ông tranh thủ vẽ rồi ở lại ngay tại xưởng, cũng không đem tranh lên cầu bán nữa vì cần thời gian để sáng tác.

Lúc chúng tôi đến, cũng có những bạn trẻ khác đang tìm hiểu về tranh của họa sĩ Minh. Bạn Thanh Hiền (sinh viên năm 3, đại học Mở Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên tôi thấy có người bán tranh rẻ như chú. Bình thường tôi thấy người ta toàn rao bán đến vài triệu đồng một bức. Sinh viên như chúng tôi dù đam mê nghệ thuật cũng khó lòng tiếp cận được. Thấy chú Minh bán tranh trên cầu, giá lại rẻ như thế nên tôi cũng tò mò đến xem. Tôi đang chọn một bức để mua”.

Nguyễn Thảo
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (146)

Tin nổi bật