Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Hoa hồng trên ngực trái” tập 45 xuất hiện tình tiết gây tranh cãi khiến khán giả thắc mắc

(DS&PL) -

Trong “Hoa hồng trên ngực trái” tập 45, một tình tiết quan trọng của phim đã được xây dựng qua loa và phi logic, khiến khán giả không khỏi đặt câu hỏi.

Trong “Hoa hồng trên ngực trái” tập 45, một tình tiết quan trọng của phim đã gây nên không ít tranh cãi từ phía khán giả xem phim.

“Hoa hồng trên ngực trái” đã đi tới chặng đường cuối cùng. Ở tập 45 vừa lên sóng tối 8/1 trên kênh VTV3, khán giả chứng kiến một tập phim với nhiều nước mắt khi khung cảnh chủ yếu diễn ra trong bệnh viện.

Có lẽ sau khi xem xong tập phim này, khán giả cũng hiểu được ý nghĩa tên phim "Hoa hồng trên ngực trái", đó chính là trái tim người cha dành cho con gái để cô bé có thể tiếp tục một cuộc đời dài lâu với nhiều trải nghiệm, mang theo cả tình yêu thương dịu dàng nhất của cha.

Nhân vật Thái quyết định chết để hiến trái tim của mình cho con gái.

Ở tập phim này, nhân vật Thái (Ngọc Quỳnh) đã hy sinh bản thân để hiến tặng trái tim cho con gái khi bé Bống (Hồng Nhung) gặp sự cố trên bàn mổ. 

Đây là một tình tiết khá gây xúc động của “Hoa hồng trên ngực trái”. Nó cho thấy được tình cha cao cả, dù cho trước đó Thái có là một kẻ đê tiện, phản bội nhưng sau cùng anh ta vẫn biết hy sinh vì người mình yêu thương.

Dù vậy, khán giả của phim lại không hài lòng lắm vì chi tiết trên vì dường như nó đã được biên kịch xây dựng khá khiên cưỡng. 

Trước đó, bác sĩ từ chối Khuê và bà Hồng vì không thể “giết một người sống để cứu một người khác” nhưng không hiểu sao đến lượt Thái thì lại được phép? Dù rằng Thái bị ung thư giai đoạn cuối nhưng trên lý thuyết, anh ta vẫn có thể sống thêm một thời gian nữa. Vậy trong trường hợp của Thái thì không phải “giết một người sống để cứu một người khác” hay sao?

Bên cạnh đó, Thái đang bị ung thư, liệu trái tim của một người mang bệnh nặng như vậy có còn phù hợp với bệnh nhân khác hay không? Đó cũng là một câu hỏi mà bộ phim cần phải làm rõ.

Theo ý kiến của chị Nguyễn Phượng Hoàng, Phụ trách truyền thông của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, một người chỉ được hiến tim khi họ rơi vào tình trạng chết não.

Bài viết trên trang web chính thức của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, theo Quyết định số: 32/2007/QĐ-BYT của bộ Y tế ban hành ngày 15/8/2007, để chẩn đoán một ca chết não cần dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng và thời gian.

Hiến tạng là cả một quy trình cần có nhiều bước, không thể chỉ hoàn thành trong vài giờ đồng hồ.

Một cách cụ thể hơn, chị Phượng Hoàng: "Khi một người rơi vào chết não là chắc chắn chết, bệnh nhân không còn bất cứ phản xạ nào, việc duy trì cơ thể bằng các loại máy móc và không quá 3 ngày thì các chỉ số của bệnh nhân sẽ ngừng hoàn toàn.

Để kết luận một người chết não phải có một hội đồng đánh giá chết não bao gồm các chuyên khoa liên quan. Sau khi đánh giá lần đầu, hội đồng phải đánh giá thêm 2 lần nữa, mỗi lần cách nhau 6 giờ đồng hồ, các chỉ số không tiến triển mới kết luận người đó đã chết não hoàn toàn".

Thông tin được chị Phượng Hoàng cung cấp cũng chỉ ra rằng: "Không phải ai chết cũng trải qua việc chết não. Không phải bệnh nhân chết não nào cũng hiến được nội tạng. Bệnh nhân chết não hiến được tạng là phần tạng của họ phải còn tốt, đủ điều kiện để ghép cho các bệnh nhân khác".

Đặc biệt, chị Phượng Hoàng nhấn mạnh, một người đang sống, sống thực vật, mắc các bệnh hiểm nghèo chắc chắn không được hiến nội tạng của mình để chết. Trên thực tế, điều này cũng được vị bác sĩ trong "Hoa hồng trên ngực trái" nói rõ bằng lời thoại: "Không thể giết một người để cứu một người khác, vì y khoa không cho phép điều đó".

Bên cạnh đó, chị Phượng Hoàng cho biết: "Tại một số nơi trên thế giới, có thể tạng của bệnh nhân ung thư hiến tặng sẽ được ghép cho bệnh nhân ung thư chờ tạng. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì hiện không tiếp nhận tạng của bệnh nhân ung thư.

Bệnh nhân ung thư sau khi chết có thể hiến tặng được giác mạc vì giác mạc của người không bị ảnh hưởng gì khi người đó bị ung thư".

Như vậy, cách thể hiện trong “Hoa hồng trên ngực trái” dễ khiến khán giả hiểu sai về việc ghép tạng.

Nếu như nhân vật Thái bị tai nạn rồi rơi vào tình trạng chết não thì có lẽ tình tiết hiến trái tim này sẽ trở nên hợp lý hơn. Tuy nhiên, có vẻ như biên kịch đã quá tập trung vào giai đoạn sám hối, làm lành với người thân của Thái trong những tập phim trước mà quên đi tình tiết quan trọng sau này.

Thêm vào đó, có vẻ như "Hoa hồng trên ngực trái" muốn xây dựng nên hình ảnh tốt đẹp về người cha trong nhân vật Thái, để hướng tới ý nghĩa nhân văn cuối cùng của bộ phim nên một chi tiết mang tính chuyên ngành đã không được chú ý quá nhiều. Hơn nữa, có lẽ trong "vũ trụ điện ảnh VTV", điều gì cũng có thể xảy ra.

Không rõ biên kịch Hoa hồng trên ngực trái còn ẩn giấu chi tiết nào đó để làm rõ trường hợp gây khó hiểu này hay không, nhưng rõ ràng vì tình huống này mà một tập phim đáng lẽ gây xúc động mà thật đáng tiếc khi tồn tại câu chuyện gây tranh cãi như vậy.

Vi An

Tin nổi bật