Sáng nay (22/6), Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga tiếp tục hầu tòa với cáo buộc lừa đại gia 16,5 tỷ đồng.
11h20: Phiên tòa tạm nghỉ và sẽ tiếp tục vào lúc 14h chiều nay.
11h15: Hoa hậu Phương Nga được đưa ra khỏi phòng cách ly.
Bị cáo Phương Nga khai nhận bị cáo xin giữ nguyên toàn bộ lời khai của mình như phiên tòa lần trước, bị cáo không lừa đảo.
10h55: Theo Dân Trí, Tòa bắt đầu hỏi ông Cao Toàn Mỹ. Ông Mỹ khai nhận ông và Phương Nga chỉ có quen biết làm ăn. Cái đơn đầu tiên ông tố cáo Phương Nga có hành vi vay mượn tiền của ông kinh doanh nhưng không trả vào khoảng tháng 4/2014. "Lúc tôi nộp đơn, tôi đã không kèm bất cứ chứng cứ gì. Sau giữa tháng 8/2014, khi đó tôi mới nộp đơn tố cáo chính thức cô Phương Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tôi thông qua việc mua bán nhà. Sau khi thay đổi nội dung tố cáo, đầu tháng 9/2014, tôi được cơ quan điều tra mời lên làm việc" - ông Mỹ nói tại phiên tòa.
9h58: Sau khi đại diện VKS công bố xong cáo trạng, HĐXX quyết định cách ly các bị cáo trong quá trình xét hỏi. Trương Hồ Phương Nga được đưa ra khỏi phòng xét xử.
Trả lời của HĐXX về mối quan hệ với Phương Nga, bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung cho biết, hai người chơi thân với nhau.
Khi được hỏi có quen biết với ông Cao Toàn Mỹ không, bị cáo Dung cho hay, có biết mối quan hệ giữa Nga và ông Mỹ và Nga mượn số tài khoản của Dung để ông Mỹ chuyển tiền cho Nga trong mối quan hệ làm ăn.
Bị cáo Thùy Dung và ông Cao Toàn Mỹ trước tòa - Ảnh: Phan Thương/ Thanh Niên |
Bị cáo Dung cho hay, được Phương Nga cho đọc tin nhắn của ông Mỹ cho Nga với nội dung yêu thương, nhớ Phương Nga. Nga còn cho Dung hay, ông Mỹ muốn chuyển tiền cho Nga để mở Spa và có nhiều thời gian dành cho ông Mỹ.
Tòa hỏi hỏi tại sao không chuyển tiền vào tài khoản của Nga mà lại chuyển qua tài khoản của bị cáo? Nga trả lời do ông Mỹ đã có gia đình nên ông Mỹ không muốn Nga gặp nguy hiểm. Hơn nữa thời điểm đó báo chí có phanh phui một số người đẹp bán dâm nên Nga sợ trong tài khoản có nhiều tiền sẽ bị truyền thông phanh phui.
HĐXX đưa ra câu hỏi, việc cho mượn tài khoản có được bị cáo Nga chung chi cho một số tiền nào không, bị cáo Dung cho hay không được nhận đồng nào.
Lý giải về số tiền hơn 2 tỷ đồng trong tài khoản mà cơ quan điều tra thu giữ được là số tiền riêng của bị cáo, Dung cho hay, giữa bị cáo và Phương Nga trải qua nhiều khó khăn bên nhau nên giúp được gì cho Nga bị cáo sẽ giúp.
Các luật sư tham gia phiên toà - Ảnh: Công an Nhân dân |
Tổng số tiền mà ông Mỹ chuyển vào tài khoản của Dung để đưa cho Nga là 9 tỷ 500 triệu đồng.
Bất ngờ bị cáo Dung tố bà Nguyễn Mai Phương đưa tờ giấy yêu cầu khai theo ý bà Phương sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng trong thời gian đó ông Mỹ liên tục nhắn tin yêu cầu Dung không được khai ra mối quan hệ giữa ông và Phương Nga.
Khi HĐXX đưa ra câu hỏi, tại sao những tình tiết này trong quá trình điều tra bị cáo không khai rõ, Dung cho rằng quá tin tưởng vào bà Nguyễn Mai Phương, nghĩ rằng bà Phương có nhiều mối quan hệ sẽ cứu Dung và Nga.
Dung còn khai, ông Mỹ có yêu cầu Nga phải thực hiện nhiều việc ảnh hưởng tới sức khỏe nên giữa hai người xảy ra mâu thuẫn. Sau đó ông Mỹ nhắn tin đòi lại số tiền 16,5 tỷ đồng.
"Chị Phương Mai gặp bị cáo yêu cầu bị cáo và Phương Nga viết giấy vay nhận tiền sẽ bãi nại cho bị cáo và Nga" - Dung khai trước tòa.
9h30: Đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa là ông Trần Hải Nam công bố cáo trạng.
9h20: Sau khi hội ý, xét thấy các chứng cứ không có gì mới và việc vắng mặt của các nhân chứng không ảnh hưởng tới quá trình xét xử, bởi những người này đã có lời khai tại cơ quan điều tra.
Về băng ghi âm giữa bà Phương và bà Nguyễn Mai Phương có thể liên quan tới một vụ án khác nên HĐXX nhận thấy không có cơ sở để hoãn phiên tòa.
Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung - Ảnh: Vietnamnet |
08h50: Cuối phần thủ tục phiên tòa, luật sư Phạm Công Hùng cung cấp cho HĐXX một số chứng cứ mới. Trong đó có nội dung email được cho là của ông Mỹ gửi Phương Nga thời điểm còn mặn nồng. Luật sư cũng đề nghị cho mẹ Phương Nga là bà Hồ Mai Phương được tham gia phiên tòa với tư cách là nhân chứng.
Do vắng mặt một số người liên quan Lữ Minh Nghĩa (bạn trai của Nguyễn Đức Thùy Dung) và bà Nguyễn Mai Phương (bị cho là ép Phương Nga ký các giấy nhận tiền của ông Mỹ), các luật sư yêu cầu HĐXX hoãn phiên làm việc, triệu tập những người này. Tuy nhiên đại diện VKS cho rằng, sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xét xử do đã có lời khai trong hồ sơ vụ án.
HĐXX tạm dừng để hội ý.
8h30: Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung được dẫn ra vành móng ngựa.
Thẩm phán Vũ Thanh Lâm - Phó chánh tòa hình sự đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
8h00: Ông Cao Toàn Mỹ - bị hại của vụ án, đến tòa cùng 2 luật sư bảo vệ.
Ông Cao Toàn Mỹ - Ảnh: Vnexpress |
7h40: Trương Hồ Phương Nga (30 tuổi, ngụ TP Hà Nội) được đưa đến TAND TP HCM. Cô và bạn thân Nguyễn Đức Thùy Dung (28 tuổi, ngụ TP.HCM) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga - Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Theo cáo trạng, khoảng tháng 7/2012, Phương Nga nói với ông Mỹ mình có nhiều bạn bè trong giới địa ốc, có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường. Ông Mỹ đưa bà Nga 6 tỷ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5 nhưng bà Nga không giao nhà.
Tiếp đến, bà Nga nói với ông Mỹ có căn nhà có giá 16,5 tỷ đồng ở quận 1. Lần này ông Mỹ đưa cho bà Nga 10,5 tỷ đồng. Sau khi đưa cho bà Nga tổng 16,5 tỷ đồng mà không có nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo với cơ quan công an.
Trước đó, ngày 21/9/2016, Phương Nga và Thùy Dung bị TAND TPHCM đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa, Nga và Dung khai ra “hợp đồng tình ái” khiến dư luận “dậy sóng”. Theo đó, số tiền 16,5 tỷ đồng ông Mỹ đưa Nga không phải để mua nhà mà là số tiền ông Mỹ tự nguyện cho Nga để thực hiện “hợp đồng” quan hệ tình cảm giữa 2 người trong 7 năm.
Sau gần một ngày xét xử, HĐXX của phiên tòa sơ thẩm lần 1 đã quyết định trả hồ sơ để điều tra lại, nhằm làm rõ một số nội dung liên quan trong vụ án.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)