(ĐSPL)- Chuyện hiến máu nhân đạo hiện nay luôn được xem là một nghĩa cử cao đẹp và được đông đảo bạn trẻ tham gia. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn một số vùng dân tộc, người ta quan niệm hiến máu rất xấu, nếu hiến máu tức là chống lại lời của Giàng. Đó là người Vân Kiều, đồng bào Pa Kô vùng đất Quảng Trị.
|
Một sinh viên tình nguyện hiến máu. |
Lời nguyền chống việc hiến máu
Trong những ngày nắng, chúng tôi lặn lội mất gần một ngày để đến với vùng núi Quảng Trị. Cái không khí trong những ngày nắng nóng cùng với gió Lào, khiến mảnh đất này trở nên khắc nghiệt hơn. ông Nguyễn Ngọc Soái, Phó Chủ tịch hội Chữ thập đỏ huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cầm trên tay danh sách những người tham gia hiến máu nhân đạo từ năm 2008 đến nay cho biết, điều đáng mừng là số người hiến máu ngày càng tăng lên. Đặc biệt, hơn nửa các cá nhân tham gia hiến máu tình nguyện là người Vân Kiều, Pa Kô. Nhắc đến chuyện hiến máu, ông cán bộ nhớ ngay những ngày đầu khi vận động bà con hiến máu.
Trước đây trong quan niệm của người dân vùng cao, máu là một phần của con người, do Giàng (trời) ban tặng để giữ gìn cơ thể khỏe mạnh. Nếu ai đem máu đi cho, thì sẽ bị quở phạt, ốm o và héo mòn mà chết. Theo thời gian, quan niệm ấy trở thành một lời nguyền, ít ai dám vượt qua. Chính vì thế, khi những cán bộ hội Chữ thập đỏ huyện về tận bản tuyên truyền, vận động, bà con đều một mực lắc đầu nói "máu của Giàng, không được cho đâu". Chính vì vậy mà nhiều câu chuyện đáng buồn đã diễn ra.
Như chuyện của anh Hồ Văn P., vốn là một thanh niên khỏe mạnh trong vùng. Hằng ngày trèo đèo lội suối tài giỏi nhất vùng. Một hôm anh đạp phải bom. Sau tiếng nổ kinh hoàng, cướp mất một chân của anh, người bị thương nặng. Đem vào bệnh viện cấp cứu, anh được các bác sỹ cứu chữa, nhưng điều đáng ngại là anh cần có lượng máu để truyền cho cơ thể. Tìm những người thân trong gia đình, nhưng không ai đồng ý hiến máu. Cuối cùng bệnh viện phải huy động tới ngân hàng máu để cứu sống anh. Nhờ đó anh mới thoát khỏi cơn nguy hiểm.
Chẳng biết tự bao giờ "lời nguyền hiến máu", đã ăn sâu vào tâm trí của người dân ở các bản làng thuộc huyện miền núi Đakrông. Nơi đây người ta vẫn từ chối việc hiến máu và tin vào lời nguyền. Kể cả khi người thân họ bị tai nạn, nhập viện và cần sự giúp đỡ. Trao đổi với chúng tôi, ông Soái cho rằng, việc hiến máu là rất ý nghĩa. Thường chỉ một bịch máu đã có thể cứu một mạng người, trong khi đó những người đi hiến máu cũng không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí việc hiến máu cũng rất tốt cho cơ thể. Chính vì vậy, việc xóa bỏ quan niệm đó là rất cần thiết.
|
Anh Hồ Văn Ku Ta (ngoài cùng, bên trái) đang vận động bà con tham gia hiến máu nhân đạo. |
Người hùng hóa giải lời nguyền
Trong câu chuyện của ông Soái, chúng tôi được nghe kể về người anh hùng của dân bản. Anh được xem là người mở đường, xóa bỏ lời nguyền hiến máu của người dân từ đó đến giờ. Theo chân ông Soái, chúng tôi tìm gặp người hùng trong câu chuyện. Đó là anh Hồ Văn Ku Ta (37 tuổi), là Trưởng bản Khe Luồi, cán bộ trẻ nhiệt tình trong các hoạt động thôn bản. Khi lặn lội về bản Khe Luồi, thuộc xã Mò ó, mọi người trong đoàn công tác hiến máu luôn mong muốn một người trong bản đứng ra giúp người dân thoát khỏi lời nguyền lạc hậu. Cuối cùng, anh Ku Ta tình nguyện là người đi đầu, hóa giải lời nguyền này của người dân bản.
Biết tin anh Ku Ta đồng ý hiến máu, mọi người trong vùng đều sửng sốt. Vợ và bố mẹ của anh đã bàn vào bàn ra, vì sợ "lời nguyền" linh ứng. Thế nhưng anh Hồ Văn Ku Ta vẫn giữ vững quyết tâm. "Mình sức dài, vai rộng, lại là trưởng thôn, nếu không tình nguyện hiến máu trước thì ai sẽ làm gương cho bà con? Vả lại, mình đã được các cán bộ hội Chữ thập đỏ huyện tuyên truyền về sự an toàn và ý nghĩa của việc làm này rồi. ở đồng bằng, người ta hiến máu đầy ra đấy mà có ai bệnh tật, chết chóc gì đâu?", anh Ku Ta khẳng định. Khi anh Hồ Văn Ku Ta đi hiến máu về, dân bản đến thăm rất đông. Họ vừa lo lắng vừa tò mò xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Và rồi, ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì thấy anh Ku Ta vẫn khỏe mạnh, nói chuyện, lao động bình thường. Từ đó, "lời nguyền hiến máu" trong suy nghĩ dân bản Khe Luồi bắt đầu thay đổi. Với mong muốn xóa hẳn quan niệm lạc hậu, anh Ku Ta tiếp tục tham gia ba đợt hiến máu nữa. Mới đây nhất, anh còn vận động được vợ và một số thanh niên trong bản cùng tham gia. Chị Hồ Thị Thiêu, vợ anh chia sẻ: "Mình rất vui khi biết lượng máu này sẽ được hiến tặng, giúp đỡ các bệnh nhân nặng. Máu cứu người mà, không thể thờ ơ được. Hy vọng phong trào hiến máu ở quê mình sẽ ngày càng phát triển".
Cũng với tinh thần đi trước nêu gương, anh Hồ Văn Quyết, công an viên thôn Ra Lu, xã Hướng Hiệp đã ba lần tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Anh Quyết kể, qua đài báo, anh nghe nhiều về trường hợp các bệnh nhân được cứu sống nhờ lượng máu hiến tặng. Với mong muốn góp sức vì hạnh phúc cộng đồng, người cán bộ trẻ đã không ngần ngại tham gia hoạt động ý nghĩa này. Bao giờ cũng vậy, buổi sáng trước ngày hiến máu, anh đều ăn no, giữ cho tinh thần thật sảng khoái. Đến nơi, anh còn động viên, truyền đạt kinh nghiệm cho những người hiến máu lần đầu.
Anh Quyết chia sẻ: "Mỗi lần tham gia hiến máu là một lần mình được kiểm tra lại sức khỏe. Vả lại, các y, bác sỹ còn khẳng định rằng, sau này, trường hợp cần máu để chữa bệnh khẩn cấp thì chắc chắn mình sẽ được ưu tiên. Thế nên, mình rất phấn khởi". Để có những người tiên phong vượt qua lời nguyền như vợ chồng anh Ku Ta, anh Quyết, không thể không nhắc đến vai trò của hội Chữ thập đỏ huyện Đakrông. Thời gian qua, Hội đã tổ chức nhiều cuộc diễu hành, các buổi tuyên truyền lưu động nhằm kêu gọi người dân tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Tại các địa phương, hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với UBND xã tổ chức hơn 50 buổi họp dân để vận động bà con. Những băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi... cũng đã góp phần tác động đến nhận thức của người dân trên địa bàn.
Nhờ đó, trong sáu năm qua, toàn huyện Đakrông đã có hơn 2.784 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, thu được 1.225 đơn vị máu, đạt 117\% chỉ tiêu kế hoạch hội Chữ thập đỏ tỉnh giao. Tính riêng năm 2013, toàn huyện có 378 người tham gia hiến máu, thu được 311 đơn vị máu phục vụ cho công tác chữa bệnh. Sau khi chúng tôi ra về, đoàn hiến máu lại bắt đầu rời nơi đây đến những vùng khác trên địa bàn. Nhờ những tấm lòng vàng và sự dũng cảm, mà nhiều người đã vượt qua được quan niệm lạc hậu, biết hy sinh và đóng góp những việc có ích cho xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Soái, cán bộ hội Chữ thập đỏ huyện Đakrông chia sẻ: "Việc hiến máu là việc làm thiết thực và cần thiết, nó có thể cứu được nhiều sinh mệnh lúc nguy nan. Chính vì vậy, chúng tôi cũng thường tuyên truyền cho mọi người dân trên địa bàn hiểu đúng ý nghĩa của hành động. Nhờ có anh Ku Ta mà lời nguyền bị xóa bỏ, từ đó đến nay việc tuyên truyền người dân cũng được thực hiện dễ dàng". |