Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hệ thống phòng thủ tại Moscow lộ điểm yếu khó đối phó UAV cỡ nhỏ

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Mạng lưới phòng không đa tầng của Moscow được nhận định là rất uy lực, song vẫn tồn tại một số nhược điểm và có thể bị đối phương khai thác.

Như đã đưa tin, ngày 30/5, một loạt máy bay không người lái (UAV) đã tấn công Moscow, không lâu sau khi mái Điện Kremlin cũng bị loại phương tiện này gây hư hại vào hôm 3/5. Qua đó cho thấy lỗ hổng trong hệ thống phòng không tại thủ đô của Nga.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng mạng lưới phòng không đa tầng của Moscow rất uy lực, nhưng vẫn tồn tại một số nhược điểm có thể bị đối phương khai thác.

Moscow sở hữu hệ thống phòng không hiện đại. Ảnh minh họa

Những chiếc UAV được sử dụng trong đợt tấn công mới nhất tương đối thô sơ và rẻ tiền, nhưng có tầm hoạt động lên đến 1.000km. Ông Mark Cancian, một cố vấn cấp cao tại Chương trình An ninh quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, cho rằng, một trong những lý do khiến những chiếc UAV này vào được Moscow mà không bị phát hiện là do hệ thống phòng không tại đây chủ yếu tập trung đẩy lùi những vụ tấn công bằng vũ khí phức tạp hơn.

“Những hệ thống đó được định hướng đối phó tên lửa, tên lửa đạn đạo, máy bay, máy bay ném bom, nhưng không phải máy bay không người lái tầm ngắn, loại có thể bay ở tầm rất thấp so với mặt đất. Hệ thống phòng không được thiết kế không phải để đối phó với những phương tiện như vậy”, ông Cancian nói.

Hiện tại, lá chắn tầm xa nhất của mạng lưới bảo vệ Moscow là tổ hợp A-135 "Amur" được triển khai năm 1995 và thuộc biên chế Sư đoàn Phòng thủ tên lửa đạn đạo số 9. Amur có khả năng đánh chặn ICBM đơn lẻ hoặc phóng theo loạt lớn, luôn ưu tiên đánh phủ đầu bằng số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm xa để làm quá tải hệ thống phòng thủ đối phương.

Lớp phòng thủ thứ hai do Sư đoàn phòng không số 4 và 5 phụ trách. Mỗi đơn vị được biên chế 4 trung đoàn tên lửa S-400 và S-300PM tới tầm bắn 200-400 km, cùng hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1.

Lớp phòng thủ thứ ba gồm hàng loạt hệ thống Pantsir-S1 đã được triển khai trong nội thành Moskva từ đầu năm nay, trong đó ít nhất một hệ thống đặt trên nóc trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Đây là các tổ hợp phòng không tầm ngắn, được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quan trọng nhất định.

Quân đội Nga cũng bố trí nhiều hệ thống tác chiến điện tử bảo vệ Moscow, nhưng không tiết lộ thông tin về hoạt động của chúng.

Bảo vệ không phận thủ đô Moscow khó khăn hơn nhiều so với tiền tuyến Ukraine, do vùng trời thành phố vẫn có nhiều máy bay dân sự hoạt động. Điều đó tăng gánh nặng cho các kíp phòng không, khi họ phải liên tục theo dõi phi cơ dân sự và tìm kiếm mối đe dọa thực sự, đảm bảo không phạm bất cứ sai lầm nào.

UAV, nhất là những phi cơ hạng nhẹ dùng động cơ điện và chế tạo từ vật liệu nhựa, rất khó bị phát hiện bằng radar thông thường. Tốc độ chậm và tín hiệu phản xạ nhỏ cũng khiến chúng dễ bị nhầm với chim.

"Lực lượng phòng không đô thị thường thiết lập chế độ hoạt động đặc thù, trong đó bỏ qua mục tiêu có kích thước nhỏ hơn trực thăng. Nếu điều chỉnh radar để phát hiện những mục tiêu nhỏ hơn, như UAV hạng nhẹ, các khẩu đội phòng không có thể liên tục gặp báo động giả vì những đàn chim trên trời", ông Ian Williams, chuyên gia tại Chương trình Phòng thủ Tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ cho hay.

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật