Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hé lộ chuyện ly kỳ về mạch nước ngầm của giếng cổ hơn nghìn năm tuổi

(DS&PL) -

Những câu chuyện kỳ lạ xoay quanh hai chiếc giếng cổ hơn 1.200 tuổi ở thôn Tam Kỳ, làng Xuân Cầu (Hưng Yên) khiến ai nghe cũng tò mò.

Những câu chuyện kỳ lạ xoay quanh hai chiếc giếng cổ hơn 1.200 tuổi ở thôn Tam Kỳ, làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên khiến ai nghe cũng tò mò, xen lẫn lòng hiếu kỳ muốn khám phá. Tương truyền, hai giếng ngọc ngàn năm này không chỉ có nguồn nước trong xanh, không bao giờ cạn mà đã từng “hồi sức” cho người nhiều người bị cảm nắng, mệt mỏi. Xung quanh hai ngôi giếng cổ tồn tại nhiều chuyện thú vị mà PV ĐS&PL mới vừa khám phá...

Trưởng thôn tháo nắp để chúng tôi dễ quan sát giếng cổ. Ảnh: Uông Linh.

“Đôi mắt rồng” hơn 1.200 năm tuổi ở thôn Tam Kỳ

Nằm cách Hà Nội không xa, thôn Tam Kỳ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên không chỉ được biết đến là quê hương của nhà cách mạng liệt sĩ Tô Hiệu mà còn là nơi lưu giữ được nhiều nét cổ kính của nhiều công trình kiến trúc cổ. Đặc biệt, khi nhắc đến mảnh đất địa linh nhân kiệt này phải kể đến hai chiếc giếng cổ là giếng Cổng Đồng và giếng Đình Ba ở thôn Tam Kỳ, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.

Hai chiếc giếng cổ này được người xưa ví như là “đôi mắt rồng”, là linh khí của thôn Tam Kỳ. Điều độc đáo nhất của hai chiếc giếng cổ ngàn năm là nguồn nước xanh mát vô tận và những câu chuyện bí ẩn mà người dân chưa thể lý giải. Ngay khi đến cổng làng, chúng tôi đã cảm nhận được nét rêu phong, cổ kính ở nơi đây.

Nơi đầu làng, nước ở giếng ngọc vẫn xanh trong, in bóng của trời, mây, của những tầng đá xanh bao quanh thành giếng, đúng như trong câu: “Giếng Tam Kỳ vừa trong vừa mát/ Đường Xuân Cầu gạch lát dễ đi”.

Theo các bậc bô lão trong làng Xuân Cầu, cả hai giếng đều được làm bằng đá xanh, nước trong mát quanh năm. Vị trí đặt giếng được người xưa coi như “mắt rồng” nơi tập trung linh khí của cả làng. Trong đó, giếng cổ Cổng Đồng được nhà sử học Lê Văn Lan về thăm và xác định niên đại khoảng 1.200 năm, còn giếng Đình Ba cũng có lịch sử trên 1.300 năm. Để PV ĐS&PL được mục sở thị, ông Nguyễn Quang Huy (Trưởng thôn Tam Kỳ) tạm gỡ chiếc lồng sắt bảo vệ miệng giếng Cổng Đồng để chúng tôi được ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của giếng ngọc nghìn năm.

Ông cho biết, miệng giếng rộng khoảng 1m, độ sâu gần 14m. Giếng được bảo vệ bằng các thanh sắt và đậy một tấm tôn có khoét lỗ nhỏ. Người dân cũng dành riêng một khu đất để quây lại thành khuôn viên, có tường rào, cây cảnh, ban thờ và bảng chú thích lịch sử.

Theo chân Trưởng thôn, chúng tôi đi tiếp 200m đến giếng cổ Đình Ba, giếng nằm trong khuôn viên của một gia đình thôn Tam Kỳ. Vừa đi ông vừa ngân nga câu thơ mà người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau: “Giữa làng có giếng Đình Ba/ Giếng xây bằng đá nước thời trong veo”.

Ông Huy cho biết, chiếc giếng cổ thứ hai có đường kính 1m, chiều sâu hơn 10m. Những viên gạch làm miệng giếng là loại “gạch thất”, còn thành giếng là loại đá xanh nguyên phiến nhẵn bóng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hai chiếc giếng cổ vẫn còn gần như nguyên vẹn. Bởi vậy mà, người dân trong thôn luôn trân trọng, giữ gìn và bảo vệ giếng cổ. Giải mã những câu chuyện bí ẩn Giếng Tam Kỳ quả là một công trình kỳ bí và chứa những câu chuyện bí ẩn mà khoa học chưa thể lý giải được.

Theo những cao niên trong làng, có nhiều chiếc giếng được đào sâu hơn, đầu tư nhiều hơn nhưng vẫn cạn nước. Riêng hai chiếc giếng cổ này dù chỉ được đào đơn giản nhưng nguồn nước vẫn dồi dào, mạch nước trong lành, sạch sẽ bốn mùa. Có những năm trời đại hạn, ao hồ nứt nẻ, ruộng đồng khô trắng nhưng nước trong giếng vẫn đầy ăm ắp.

Người dân nơi đây truyền nhau rằng phải chăng được một thầy địa lý tài ba chọn được vị trí đắc địa mới cho nguồn nước tốt đến thế. Ngắm giếng mới thấy được sự kỳ bí trong từng chi tiết, không một chút vôi vữa, xi măng mà vẫn như trường tồn bỉ và đẹp theo thời gian. Thành giếng thẳng tắp không tỳ vết, mà kỳ lạ ở chỗ những viên gạch này dù chỉ được xếp bằng tay nhưng lại vô cùng vững vàng, tồn tại hơn ngàn năm chưa có dấu hiệu hỏng, hay xuống cấp.

Theo quan sát, thành của cả 2 giếng cổ đều sử dụng loại “gạch thất”, những viên gạch được xếp từng vòng, từng vòng so le nhau. Với giếng Cổng Đồng, miệng giếng có 3 tầng đá xanh, không phải đá thường mà là những cối đá tròn được khéo léo xếp lên nhau y như xếp gạch. Trong khi đó, miệng giếng Đình Ba được tạo nên từ những phiến đá xanh nguyên khối.

Dân làng xem giếng như “long mạch”

Nói về lối xếp "gạch thất", ông Đặng Xuân Chính, một người dân ở Tam Kỳ cũng là người sưu tầm nhiều thông tin và hình ảnh về giếng ngọc cho biết: "Gạch làm thành giếng có chiều dày 7cm, chiều rộng 17cm và dài là 27cm. Còn các khối đá tròn úp phía trên giếng được làm thủng, chiều cao của khối đá là 17cm, đáy 27cm và miệng cối đá úp xuống là 37cm.Lý do tại sao các cụ lấy con số 7 thì đến giờ chúng tôi chưa lý giải được, chỉ biết khi lắp đá vào thì vừa khít, chẳng cần phải vôi vữa nhưng đã trường tồn qua cả ngàn năm".

Khi được hỏi về những câu chuyện lạ xung quanh giếng nước, ông Huy cho hay, giếng nước có thể coi là “long mạch” của cả làng Xuân Cầu. Cho đến nay, xung quanh hai chiếc giếng cổ này vẫn có những câu chuyện, giai thoại ly kỳ.

Chuyện kể rằng, trước đây, có người hành khất đi đến làng, bị cảm nắng ngất xỉu, bà con trong vùng thấy vậy bèn múc nước giếng cổ cho uống. Điều lạ là, sau khi uống nước người này dần tỉnh dậy, khỏe mạnh như thường.

Ông Huy cho hay, không biết có phải nhờ ăn giếng nước cổ hay không nhưng người dân trong làng luôn tin rằng, thứ nước ngọt mát, trong vắt quanh năm giúp họ có sức khỏe, mùa màng bội thu, công việc xuôi chiều mát mái.

Từ năm 1980 trở về đây, tuy không sử dụng, nhưng nước trong hai giếng vẫn chảy đầy ăm ắp, nước trong vắt cả bốn mùa và vẫn được người thôn Tam Kỳ quý trọng, lưu giữ như một bảo vật.

Uông Linh-Phương Ly

Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (127)

Tin nổi bật