Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hé lộ bí mật trong 3 xe ô tô chở hơn 1.000 sản phẩm điện máy và những thủ đoạn buôn lậu

(DS&PL) -

Hiện nay, nhiều “đầu nậu” đang tìm cách nhập lậu các mặt hàng: Hàng điện máy - điện lạnh - điện gia dụng đã qua sử dụng (thuộc danh mục cấm nhập khẩu).

Theo tìm hiểu của PV ĐS&PL, hiện nay, nhiều “đầu nậu” đang tìm cách nhập lậu các mặt hàng: Hàng điện máy - điện lạnh - điện gia dụng đã qua sử dụng (thuộc danh mục cấm nhập khẩu). Thực tế, rất nhiều vụ việc bị phát hiện nhưng không thể bắt được các “ông trùm” thực sự đứng đằng sau.

Hàng điện lạnh được các “ông trùm” chọn để buộn lậu nhiều trong thời gian qua.

Dấu hỏi về các đầu nậu

Mới đây, 3 xe ô tô tải, loại 15 tấn lưu thông, vận chuyển hàng hóa về kho hàng, tại số 4 đường Kênh 19/5, thuộc phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM đã bị trinh sát Đội 6 (phòng Cảnh sát Kinh tế) phối hợp Công an quận Tân Phú (Công an TP.HCM) tiến hành kiểm tra và phát hiện có hơn 1.000 sản phẩm là hàng điện máy đã qua sử dụng.

Đây là số hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu, chủ yếu là máy lạnh, quạt máy, đồng hồ và một số dụng cụ điện gia dụng khác, ước tính tổng giá trị lô hàng khoảng 3 tỷ đồng. Theo lời khai của các tài xế, họ nhận vận chuyển số hàng này cho ông Vũ Thanh H. (ngụ huyện Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An) về kho nêu trên để tiêu thụ. Hiện, vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây là một trong nhiều khâu mà các đối tượng buôn gian bán lận tìm cách nhập lậu hàng hoá (chủ yếu là hàng điện máy, điện lạnh, điện gia dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập) từ nước ngoài về, rồi mông má, sau đó tung ra thị trường, tiêu thụ, trục lợi bất chính trong thời gian qua.

Ghi nhận, tìm hiểu của PV cho thấy, các đối tượng buôn lậu tìm đủ mọi phương thức, thủ đoạn để có thể đưa hàng từ nước ngoài tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đáng chú ý là việc thành lập doanh nghiệp “ma” chuyên đi buôn lậu. Để thực hiện trót lọt, các đối tượng này đã lợi dụng hàng quá cảnh, “chọn luồng”, khai sai tên hàng hóa.... Thực tế cho thấy, hàng loạt vụ buôn lậu bằng các chiêu thức nói trên đã diễn ra liên tiếp, trong thời gian ngắn.

Một trong những cái tên điển hình là công ty TNHH TM-DV Vận tải giao nhận hàng hóa XNK Nguyễn Tấn (địa chỉ 12A/5, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Khi nhập hàng, doanh nghiệp này khai hải quan để làm thủ tục thông quan tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 là vải cuộn các loại, tình trạng mới 100%. Thực tế, bên trong nhiều container có hàng ngày bộ máy lạnh đã qua sử dụng. Tất cả số hàng này được nhập khẩu từ Nhật Bản về.

Tương tự, công ty TNHH TM DV Vận tải giao nhận hàng hóa XNK Trí Nguyễn (số 3/4 đường Phan Văn Sử, quận Tân Bình) cũng đứng tên lô hàng khai báo nhập khẩu rổ nhựa về TP.HCM qua cảng Cát Lái. Điều đáng nói, doanh nghiệp này vận chuyển tới 8 container hàng được nhập khẩu từ Nhật Bản. Tuy nhiên, thực tế toàn bộ hàng hóa đều là hàng cấm nhập khẩu, gồm máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện... đã qua sử dụng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, hàng ngàn container “phế liệu” cũng đang nằm tại các cảng trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh thành lân cận mà không có chủ đến nhận. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao hàng qua sử dụng lại được ưa chuộng ở Việt Nam? Theo tìm hiểu của PV, phế liệu nhập khẩu chủ yếu là bo mạch điện tử, hàng điện máy - điện lạnh - điện gia dụng đã qua sử dụng nhưng thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Thế nhưng khi về đến Việt Nam, nó lại được sử dụng rất nhiều.

Điển hình như hàng điện tử điện lạnh - điện gia dụng, khi nhập khẩu về Việt Nam, nếu trót lọt sẽ được phân phối về các điểm - kho trung chuyển. Số này tập trung nhiều ở các quận như: Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân, 12, Hóc Môn... Từ đây, hàng hoặc sẽ để nguyên hoặc được “mông má”, vệ sinh... tiếp tục đi đến các điểm trên khắp địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.

Nhận diện các thủ đoạn

Theo tìm hiểu của PV, chiêu thức được nhiều đối tượng buôn lậu sử dụng, đó là thường xuyên thay đổi người đại diện pháp luật. Trường hợp hàng có vấn đề thì tiến hành điều chỉnh tên hàng hóa, tên doanh nghiệp, đồng thời xin điều chuyển từ loại hình nhập kinh doanh sang loại hàng quá cảnh. Nếu bị phát hiện, các đối tượng này từ chối nhận hàng và không đến để chứng kiến việc khám xét trọng điểm.

Nhiều đơn vị còn đánh lạc hướng cơ quan chức năng bằng cách vận chuyển hàng về các cảng khác nhau, sau đó mới đưa đến cảng đích là TP.HCM. Điển hình như công ty TNHH TM DV giao nhận hàng hóa XNK Trọng Nguyễn (59 Nguyễn Quang Bích, phường 1, quận Tân Bình) khai nhận lô hàng là máy đánh bóng thép đã qua sử dụng, nhưng thực tế đó là 326 cục lạnh, 319 cục nóng máy lạnh, 24 máy giặt và 18 nồi cơm điện đã qua sử dụng. Doanh nghiệp này mở tờ khai tại chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Hay như công ty Trí Nguyễn, để đánh lạc hướng cơ quan chức năng, doanh nghiệp này đã chuyển lòng vòng hàng qua nhiều nước: Từ Nhật Bản qua Trung Quốc, sau đó lại đến cảng Hồng Kông rồi mới chuyển về cảng Cát Lái. Ngoài dùng chiêu thức trên, các “ông trùm” còn dùng các doanh nhiệp “ma”, có lý lịch sạch để buôn lậu, nhằm qua mắt cơ quan chức năng.

Luật sư Đoàn Văn Hồng, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Việc các doanh nghiệp thực hiện buôn lậu cùng một nhóm mặt hàng, cùng một chiêu thức với nhiều đặc điểm giống nhau cho thấy, có nhiều khả năng đây chỉ là phương thức hoạt động của một số đối tượng điều hành đường dây buôn lậu. Tôi cho rằng, cơ quan chức năng, như hải quan, kế hoạch - đầu tư, chính quyền địa phương (nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động), cơ quan điều tra... cần phối hợp để củng cố hồ sơ, tiến hành vào cuộc điều tra, xử lý”.

“Phải kiên quyết đấu tranh đến cùng với loại tội phạm này, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho xã hội, lũng đoạn thị trường, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Do đó, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, ngăn chặn ngay từ ban đầu, tránh để trường hợp các đối tượng này nhập hàng về Việt Nam, nếu có phát hiện lại phải tốn tiền ngân sách để tiêu hủy, xử lý hay xuất trả hàng hóa”, luật sư Hồng phân tích thêm.

Chí Thanh

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (169)

Tin nổi bật