Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hãy nhìn đời bao dung sẽ thấy lòng thanh thản

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Mấy hôm nay, kể từ lúc có người bạn từ TP.Hồ Chí Minh gửi cho một bài viết có tên: “Hãy tỉnh ngộ đi, sự bất lực của y tế Việt Nam!”, khiến tôi trăn trở mãi.

TP.HCM triển khai tiêm vaccine phòng chống Covid-19. Ảnh: Sở Y tế TPHCM.

Trước hết, tôi cứ tin đó là bài viết của một người tự xưng là bác sỹ, có những điều trăn trở về cách thức chống dịch đang diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh (và cũng là phổ biến ở nước ta hiện nay). Về nỗi lo chậm trễ trong việc dịch bệnh được dập tắt, thì cũng cho tôi được đồng cảm với bài viết, cũng chỉ mong muốn toàn dân ta đồng lòng để chống dịch thành công, sớm mang lại sự bình an cho xã hội- điều bất cứ ai cũng mong ngóng.

Thứ hai, nội dung bài viết nêu: “Lúc đầu chưa ai biết phải chống dịch Covid- 19 như thế nào, thì có thể chúng ta đã chọn đúng. Nhưng nay sau gần 2 năm, thì rõ là đang trở nên ngày càng sai quá rồi!”. Đọc kỹ xuống đoạn dưới, tôi thấy bài viết hầu như xoay quanh bác giải pháp xét nghiệm và giải pháp giãn cách xã hội hiện nay, và coi đó là sai, sai quá. Cách nhìn như vậy, cá nhân tôi thấy quá sai lầm và lạc lõng khi cả xã hội đã và đang dùng nhiều biện pháp mạnh để chống lại đại dịch Covid-19.

Tại sao vậy? theo tôi hiểu, ngay từ cuối năm 2019, khi dịch bệnh xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Khi đó, một trong những giải pháp rất khó khăn, khi họ đưa ra quyết định phong tỏa. Bạn thử tưởng tượng xem, một thành phố 10 triệu dân mà phong tỏa, cách ly như thế, biết bao khó khăn đã và sẽ xảy ra. Đúng là việc làm chưa hề có, và hệ lụy sẽ như thế nào, nếu đó là quyết định không đúng?

Trên thực tế, nhiều nước sau đó, trong đó có Việt Nam cũng đã áp dụng phương pháp này: Phong tỏa nơi có nguy cơ cao, trên cơ sở đó để tìm ra nguồn gốc lây bệnh, chữa trị kịp thời cho người mắc, tránh lan rộng ra cộng đồng. Mặt hạn chế là khó khăn cho người dân nơi thực hiện giãn cách, phong tỏa nên rất cần được người dân đồng cảm và thông cảm, nhưng mặt được là nếu có tình huống phát bệnh sẽ tập trung nguồn lực để chữa trị và dập tắt dịch trong phạm vi hẹp. Nếu không có giải pháp đó, người mang mầm bệnh, mặc dù chưa phát bệnh vẫn có thể lây lan cho người khác, khi lây lan ra diện rộng thì thảm họa thật là khôn lường.

Biện pháp khoanh vùng dập dịch này tiết kiệm nguồn lực rất nhiều vì đất nước ta còn nghèo. Nhiều nước cho đến lúc này vẫn coi đây là giải pháp hữu hiệu nhất, dù không hẳn là đã được tất cả đồng tình, ủng hộ. Trên thực tế, giải pháp này đã được người dân Việt Nam đồng tình. Vĩnh Phúc hay Hà Nội... cũng đều vượt khỏi dịch từ những đợt trước theo cách này.

Hiện tại, phương pháp này không sai. Có chăng, nên phát hiện từ sớm được và khoanh vùng trúng, không tràn lan thì đỡ hậu quả hơn. Không thể nói trước kia đúng, sau gần hai năm trở nên sai quá.

Thứ ba, bài viết tự đặt vấn đề là chống dịch thế nào? và chỉ ra hiện trạng: “Bệnh nhân nặng thì cần thầy thuốc chuyên sâu, vaccine chưa đủ để tiêm đại trà”... tuy vậy, bài viết giễu cợt việc phòng dịch bằng xét nghiệm là “ngoáy mũi”. Tôi ngạc nhiên khi bài viết phát minh ra một cách chống dịch- như nguyên văn tác giả viết là: “Họ chống dịch bằng nghị quyết”.

Từ đó, bài viết chỉ ra cách ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định theo cách suy luận cá nhân của người viết. Cũng từ đó bêu riếu, công kích thân thế cá nhân một con người cụ thể đang làm chuyên môn để chống dịch. Xin khẳng định rằng cái quy trình chống dịch mà bài viết tưởng tượng ra đó là không đúng. Thậm chí có thể nói rất sai. Không ai quyết định một vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh của hàng chục triệu người lại có thể hời hợt như thế được. Từ Chính phủ đến các bộ, ngành và các tỉnh; từ trung ương đến địa phương đều phải cân nhắc rất kỹ, hành động tập thể dựa trên luận cứ khoa học và tình hình thực tế trước khi ra quyết định, nhất là những việc như hiện nay toàn dân ra sức đồng lòng chống dịch.

Thứ tư, con số 10.000 người có chuyên môn, từ trung cấp đến sinh viên các trường của Việt Nam được điều động vào trợ giúp các tỉnh thành phía Nam người viết mỉa mai để “chụp hình”, “hô khẩu hiệu” và “ngoáy mũi”, “chọc que”... từ đó lấy cớ phỉ báng tinh thần chi viện.

Cái nhìn này như mũi tên độc gây phân biệt chia rẽ vùng miền, phủ nhận sự giúp đỡ của cộng đồng, rất xa lạ với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Điều này đã bị dư luận lên án là tư duy lạc hậu.

Thứ năm, tôi hiểu việc phun thuốc khử trùng khu vực phát hiện có người mắc covid-19, đúng là không trực tiếp diệt được virus này (hiển nhiên là như vậy, vì nếu diệt được thì nó đã là thuốc điều trị rồi). Tuy nhiên, khu vực có F0 khi khử trùng đồng thời cũng bị phong tỏa ít nhất 14 ngày, sẽ hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát sinh bệnh dịch khác. Vậy nên, việc phun thuốc diệt khuẩn là cần thiết, không thể như bài viết suy diễn là để tiêu tiền một cách lãng phí của dân đâu.

Thứ sáu, hãy nhìn toàn hệ thống chính trị của chúng ta vào cuộc: từ xét nghiệm cho dân, đưa đi cách ly khi có nguy cơ cao, rồi tập trung chữa trị từ khi mắc bệnh đến khi khỏi bệnh và tiếp tục hướng dẫn cách ly sau khi ra viện.... tất cả các quy trình mục đích cốt lõi là bảo vệ sức khỏe của người dân.

Thứ bảy, về việc mua vaccine và cơ chế nhận viện trợ vaccine có những quy định của nó, và người nắm cuộc chơi này không ở bên mua. Thị trường lúc này thuộc về thị trường bên bán. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển khác đều có những khó khăn riêng trong việc tiếp cận vaccine, kể cả sẵn tiền. Bằng nỗ lực của mình, Chính phủ Việt Nam đã có thể đảm bảo kế hoạch 150 triệu liều vaccine để chủng ngừa cho nhân dân, bằng những chiến dịch thần tốc. Với cái nhìn khách quan cũng không khó để nhận ra những nỗ lực phi thường đó. Không thể phủ nhận những gì Chính phủ đã làm cho nhân dân trong những đợt dịch vừa qua. Cộng với sự đồng thuận của toàn xã hội, biểu hiện qua tự nguyện đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp vào quỹ phòng chống covid đã được phát động, được cả hàng chục nghìn tỷ đồng- là minh chứng rõ nhất sự đồng tâm chống dịch.

Thay vì “hắt nước lạnh” vào nỗ lực chung của toàn xã hội, người viết nhân danh bác sỹ kia hãy nhìn lại mình đã đóng góp được gì cho công cuộc phòng chống dịch. Người có tâm phê bình mang tính xây dựng nhận về sự trân trọng, người vô tâm, thậm chí vô cảm chọn kiểu “ném đá cho vui” chắc chắn sẽ gặp cơn cuồng lộ của dư luận.

TS.NGUYỄN HUY THÁM (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 135 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội)

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5(117)

Tin nổi bật