Ngày 29/9/2014, trong lúc di chuyển đến cửa ra tàu bay để chuẩn bị thực hiện chuyến bay VJ8687 từ Hà Nội – TP.HCM, hành khách Trương Thị Thiên Tr. (sinh năm 1980) đã có hành vi hành hung nhân viên hàng không.
Văn hóa đi máy bay là điều hành khách cần tìm hiểu trước khi sử dụng dịch vụ- ảnh MH. |
Sự việc xảy ra tại sảnh E, sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Hành khách Trương Thị Thiên T. đã làm xong các thủ tục để thực hiện chuyến bay. Tại cửa ra tàu bay, do hành khách mang theo hành lý quá to, cồng kềnh và vượt quá số lượng qui định, không tuân thủ các quy định về hành lý xách tay, cũng không đồng ý ký gửi hành lý nên nhân viên hàng không đã thông báo hành khách T. không được lên tàu bay. Hãng hàng không VietJet đã từ chối vận chuyển hành khách này.
Hành khách T. đã ngay lập tức rượt đuổi nhân viên hàng không suốt từ cửa ra tàu bay đến khu vực soi chiếu an ninh. Không dừng lại ở đó, nữ hành khách còn có hành vi hành hung, giật, kéo và xé rách áo nam nhân viên hàng không.
An ninh sân bay buộc phải can thiệp, áp giải hành khách T. bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử lý. Ngay sau đó, Cảng vụ đã quyết định xử phạt hành khách Trương Thị Thiên T. số tiền 7,5 triệu đồng (theo quy định tại điểm b, khoản 5, điều 24, Nghị định 134/2013/NĐ – CP ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hàng không dân dụng) đồng thời báo cáo Cục Hàng không xem xét việc cấm bay đối với hành khách này.
Tình trạng nhân viên hàng không bị khách thóa mạ, hành hung ngày một gia tăng- ảnh MH. |
Đây không phải lần đầu nhân viên hãng hàng không Vietjet bị hành khách gây sự, hành hung. Trước đó, trên chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Băng Cốc ngày 5/5/2014, hành khách Lê Thị Ngọc Q cũng mang theo hành lý quá cước, khi bị nhắc nhở đã thoá mạ nhân viên của hãng và không ngừng gào thét làm ảnh hưởng tới chuyến bay. Khi lên máy bay, nữ hành khách này ngang nhiên để hành lý quá cước sai vị trí nhưng khi bị nhắc nhở lại tiếp tục gây sự, thoá mạ nhân viên của hãng khiến an ninh cụm cảng phải can thiệp, đưa nữ hành khách này trở lại sân bay Tân Sơn Nhất. 180 hành khách trên chuyến bay hôm đó đã bị ảnh hưởng, không những chậm chuyến hàng tiếng đồng hồ mà còn phải chịu đựng cảnh “hàng tôm, hàng cá” trên máy bay.
Ngày 23/9 vừa qua Vietnam Airlines cũng phải xử lý 2 hành khách gây rối tại sân bay. Tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, hành khách Phạm Văn T đã chửi bới, lăng mạ nhân viên của hãng và nhân viên an ninh tại cửa ra máy bay. Tại sân bay Cam Ranh, hành khách Vũ Quang H khi qua cửa soi chiếu đã gây rối với nhân viên an ninh và bị từ chối hoàn tất các thủ tục an ninh.
Việc hành khách gây rối không chỉ gây mất trật tự công cộng, gây phiền hà cho các hành khách khác, mà còn tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh ngành hàng không .
Tình trạng khi làm thủ tục check-in hành khách giấu hành lý cồng kềnh, quá trọng lượng qui định tương đối phổ biến. Nếu không xử lý nghiêm túc sẽ dẫn tới không đủ chỗ để hành lý xách tay cho các hành khách của chuyến bay. Hiện nay, các hãng Hàng không cũng gặp phải tình trạng hành khách gây rối tại sân bay, trên tàu bay, không chịu chấp hành quy định an toàn, an ninh. Có nhiều trường hợp chuyến bay bị chậm hàng tiếng đồng hồ do xử lý sự cố liên quan tới hành khách, ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay sau đó.
Trước thực trạng này, tại hội nghị về công tác an ninh hàng không, Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng đã chỉ đạo “phải xử lý nghiêm cá nhân hành khách gây mất an toàn bay”.