Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng trăm tỷ của Ngân hàng thương mại bị công ty của Út “trọc” chiếm dụng như thế nào?

(DS&PL) -

Công ty của Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ làm giả hồ sơ để vay tiền rồi chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng của một ngân hàng thương mại.

Không chỉ dùng hồ sơ giả đấu giá dự án thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, công ty của Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ còn giả hồ sơ để vay tiền rồi chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng của một ngân hàng thương mại.

Dự án BOT Cầu Việt Trì do Công ty Thái Sơn Bộ Q.P của Đinh Ngọc Hệ làm chủ đầu tư

Làm giả hồ sơ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Mới đây, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng và chuyển hồ sơ sang TAND TP.HCM để xét xử 20 bị can trong vụ án tiêu cực xảy ra tại dự án cao tốc Trung Lương - TP.HCM.

Theo cáo trạng, các công ty của Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P) dùng 2 pháp nhân là Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương 5 năm (từ 1/1/2014 – 1/1/2019).

Trên thực tế, 2 công ty Yên Khánh và Khánh An của Đinh Ngọc Hệ liên tục thua lỗ, không có năng lực tài chính để tham gia đấu giá. Thế nhưng, Út “trọc” đã chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ tài chính của 2 pháp nhân trên. Và với sự hỗ trợ của ông Đinh La Thăng, Công ty Yên Khánh sau đó đã trúng giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương với mức giá đúng bằng giá khởi điểm (hơn 2.004 tỷ đồng).

Do không có năng lực tài chính, nên sau khi Công ty Yên Khánh trúng đấu giá đã không thể thanh toán tiền cho nhà nước.  Thế nhưng, Bộ GTVT lại không chỉ đạo dứt điểm việc chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh.

Để rồi, với quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Đinh Ngọc Hệ có thêm hành vi cắt giảm, che giấu doanh thu nhằm chiếm đoạt, gây thất thoát hơn 725 tỷ đồng của nhà nước.

Theo đó, giai đoạn đầu thu phí (năm 2014), Út “trọc” chỉ đạo nhân viên cắt giảm doanh thu bằng phương pháp thủ công: vào những ngày có nhiều phương tiện qua trạm thu phí, các bị can chuyển làn xe vào thành làn xe ra và thu phí không qua hệ thống phần mềm quản lý, mà liệt kê vào biên lai thu tiền và lập báo cáo thu phí. Số tiền thu thủ công, Công ty Yên Khánh không đưa vào báo cáo doanh thu để báo cáo với cơ quan thuế và Tổng công ty Cửu Long.

Khi việc giảm doanh thu bằng thủ công không hiệu quả, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo nhân viên liên hệ một số công ty và bị can khác am hiểu về công nghệ thông tin can thiệp vào phần mềm thu phí ITD mà trạm thu phí đang sử dụng, can thiệp sửa số sêri vé để cắt giảm doanh thu thu phí. Các bị cáo cũng tìm cách xóa dữ liệu trên hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu về thu phí thực tế từ năm 2016 về trước. Tuy nhiên, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, 1 bị can đã sao lưu dữ liệu vào 4 ổ đĩa, để tại phòng làm việc. Khi khám xét khẩn cấp, CQĐT thu giữ được 4 ổ đĩa này. Qua trích xuất dữ liệu từ 4 ổ đĩa, cáo trạng xác định Hệ đã chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng.

Chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng vốn của ngân hàng

Không chỉ làm giả hồ sơ đấu giá các dự án BOT của nhà nước, Đinh Ngọc Hệ còn dùng hồ sơ giả để vay vốn rồi chiếm dụng vốn của nhiều ngân hàng.

Cụ thể, hồi tháng 4/2019, Thanh tra Chính phủ có văn bản số 531 thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật, đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.

Thông báo kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, việc thực hiện các dự án đầu tư, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu (Báo cáo tài chính, xác nhận của đơn vị kiểm toán, năng lực máy móc, thiết bị, nhân công, kinh nghiệm...) để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu tại các dự án được thanh tra (Cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20...).

Đáng chú ý, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P lập hồ sơ giả gồm: Hồ sơ thiết kế, dự toán, bản nghiệp thu thanh toán, các hóa đơn GTGT tại công trình Tổng kho bia Sài Gòn tại Z11 để rút vốn vay tại 2 ngân hàng với tổng số tiền 305 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty của ông Hệ còn chiếm dụng vốn 187 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại.

Nhiều dấu hỏi đặt ra là ngân hàng có kiểm tra hồ sơ của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P khi cho vay vốn dẫn đến bị chiếm dụng vốn?

Được biết, đầu năm 2019, hai chi nhánh Chợ Lớn và Sài Gòn của ngân hàng này từng rao bán khoản nợ hơn 600 tỷ đồng liên quan 2 dự án BOT.

Cụ thể, Ngân hàng rao bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của một khách hàng, với dư nợ đến ngày 2/4/2019 là 457,7 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 435,7 tỷ đồng, lãi quá hạn là 22 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền thu phí phát sinh tại Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT. Tài sản bảo đảm đang trong quá trình thi công.

Ngoài ra, ngân hàng chào bán một khoản nợ với tổng dư nợ tính đến hết ngày 27/2/2019 là 179,7 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 173,5 tỷ đồng, lãi quá hạn 6,2 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm là toàn bộ phần vốn góp của khách hàng tại Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu, quyền tài sản liên quan tới phần vốn góp và số tiền được hoàn vốn từ dự án Cầu Rạch Miễu.

Cả hai dự án BOT trên đều có sự góp mặt của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P của ông Đinh Ngọc Hệ.

Giang Nam

Tin nổi bật