Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng loạt bất ngờ tại phiên xử phúc thẩm bác sĩ Hoàng Công Lương

(DS&PL) -

Khác với phiên xét xử sơ thẩm trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng Công Lương đã không còn kêu oan mà thừa nhận tội Vô ý làm chết người.

Khác với phiên xét xử sơ thẩm trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng Công Lương đã không còn kêu oan mà thừa nhận tội Vô ý làm chết người. Cựu Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xin miễn trách nhiệm hình sự.

Cựu bác sĩ Hoàng Công Lương thừa nhận tội vô ý làm chết người. 

Ngày 12/6, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra xét xử phúc thẩm vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.

5 bị cáo kháng cáo trong vụ án này gồm: Hoàng Công Lương (Sinh năm 1986), bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng (SN 1965), nguyên Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế; Đỗ Anh Tuấn (SN 1976), Giám đốc công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình và Trương Quý Dương (SN 1962), nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Trước đó, TAND TP Hòa Bình tuyên án sơ thẩm Hoàng Công Lương 42 tháng tù về tội Vô ý làm chết người. Bị cáo Trương Quý Dương lĩnh 30 tháng tù; Hoàng Đình Khiếu 36 tháng tù; Trần Văn Thắng 36 tháng tù và Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị cáo Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng Vật tư) lĩnh 42 tháng tù và Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc công ty Trâm Anh) 54 tháng tù. Sau khi công bố xong nội dung bản án sơ thẩm của TAND TP.Hòa Bình, HĐXX tiến hành hỏi lần lượt các bị cáo.

Bác sĩ Hoàng Công Lương 3 lần thay đổi kháng cáo

Người đầu tiên được tòa hỏi là bị cáo Hoàng Công Lương. Chủ tọa công bố: Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo có tới 3 đơn kháng cáo. Đơn đầu tiên bị cáo kháng cáo kêu oan, đơn thứ hai xin nhận trách nhiệm hình sự. Đơn thứ ba, bị cáo lại kháng cáo xin xem xét lại tội danh, xin giảm hình phạt và hưởng án treo.

“Bị cáo có 3 đơn kháng cáo hoàn toàn khác nhau, đối lập nhau. Đây không phải đơn kháng cáo bổ sung. Tại phiên tòa ngày hôm nay bị cáo khẳng định lại một lần nữa, bị cáo kháng cáo với nội dung gì? Bị cáo có thay đổi hay rút kháng cáo hay không?”, chủ tọa hỏi bị cáo Lương.

Bị cáo Hoàng Công Lương trả lời: “Bị cáo rút phần xem xét lại tội danh. Thời điểm tòa sơ thẩm mở lần 2, bị cáo đã nghiên cứu, tìm hiểu và nhận thức được về tội Vô ý làm chết người, bị cáo xin tòa xem xét các tình tiết, vai trò của bị cáo”. “Như vậy bị cáo nhất trí với tội Vô ý làm chết người, chỉ xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo”, chủ tọa nhắc lại một lần nữa.

Các bị cáo còn lại cũng trả lời giữ nguyên nội dung kháng cáo và mong tòa phúc thẩm xem xét về vai trò, mức độ hành vi, giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo.

Quá trình xét hỏi, luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đã trình bày thay thân chủ của mình về các tình tiết làm căn cứ xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Theo trình bày của luật sư, bị cáo Hoàng Công Lương đã tích cực tham gia cứu chữa nạn nhân; bị cáo Lương có thành tích trong lao động, sản xuất, chiến đấu, là dân tộc thiểu số. Hoàng Công Lương đã nhận thức được, mức độ, hành vi của mình trong phiên tòa này. Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải.

Gia đình đã sửa chữa, khắc phục một phần cho các gia đình bị hại. Bị cáo có ông nội và người thân có công với cách mạng, có nhiều huân huy chương. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét áp dụng Điều 47, Bộ luật Hình sự tuyên mức án dưới khung hình phạt.

Tiếp lời luật sư, bị cáo Hoàng Công Lương trình bày đã nhận thức được lỗi của mình. Luật sư của bị cáo đã nói rất đầy đủ về tình tiết giảm nhẹ cũng như các căn cứ xin hưởng án treo. Bị cáo Lương mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để có điều kiện ở ngoài, tiếp tục được làm việc.

Đáng chú ý, tại phiên tòa, nhiều luật sư tiếp tục đề nghị công khai Công văn số 41 mà bộ Y tế gửi cho HĐXX, các luật sư không được tiếp cận công văn này. Tuy nhiên, chủ toạ cho rằng công văn này được đóng dấu mật, không nằm trong hồ sơ vụ án. "Toà sẽ mời đại diện Bộ Y tế làm rõ việc này" - Vị chủ tọa cho hay.

Cựu Giám đốc bệnh viện xin miễn trách nhiệm hình sự

Bị cáo Trương Quý Dương.

Bước lên bục khai báo trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Trương Quý Dương đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ trách nhiệm cũng như mức án của bị cáo trong vụ án này. “Rất mong HĐXX cân nhắc, đánh giá các yếu tố khách quan, chủ quan trực tiếp, gián tiếp về vai trò của bị cáo. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ đề nghị được miễn hình phạt hoặc cho hưởng án treo” - Bị cáo Dương trình bày.

Theo bị cáo Dương khai, bị cáo được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình từ năm 2002 đến năm 2017. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Giám đốc bệnh viện, năm 2009, BVĐK tỉnh Hòa Bình và CTCP Dược phẩm Thiên Sơn ký hợp đồng liên kết đặt máy chạy thận tại bệnh viện thông qua hình thức khai thác - chuyển giao.

Tại thời điểm xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017, có 18 máy chạy thận hoạt động, trong đó có 5 máy thuộc quyền sở hữu và khai thác của Thiên Sơn, 13 máy còn lại đã được bàn giao cho bệnh viện.

Về hợp đồng số 315 ngày 25/5/2017 ký giữa bệnh viện và Thiên Sơn với nội dung sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng hệ thống RO số 2, Trương Quý Dương khai hợp đồng được ký chiều 25/5 tại phòng làm việc của Giám đốc bệnh viện sau khi Đỗ Anh Tuấn trực tiếp thương thảo với Trương Quý Dương.

Bị cáo khai sau sự cố y khoa đã chỉ đạo Phó Giám đốc Hoàng Đình Khiếu xin trợ giúp từ bệnh viện Bạch Mai. Về hình phạt cấp sơ thẩm tuyên 30 tháng tù giam, Trương Quý Dương cho rằng mức án này không thỏa đáng.

Trong đơn kháng cáo, bị cáo Dương xác định rõ không hoàn thành nhiệm vụ, trình bày mong muốn HĐXX xem xét tất cả các tình tiết giảm nhẹ để bị cáo được miễn nhiệm trách nhiệm hình sự hoặc nếu không thì xin được hưởng án treo. Phiên tòa vẫn đang tiến hành phần xét hỏi.

Bị cáo Hoàng Công Lương nhận tội có được coi là tình tiết mới không?

Nhận định về tình tiết mới liên quan đến vụ án, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TPHà Nội) cho hay, tại cấp sơ thẩm, bị cáo Hoàng Công Lương đã thừa nhận hành vi của mình nhưng theo nhận thức cho rằng những hành vi đó không cấu thành tội Vô ý làm chết người.

Do vậy, dù bị cáo không thừa nhận tội như cáo trạng truy tố nhưng HĐXX vẫn áp dụng cho bị cáo Lương tình tiết giảm nhẹ "thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải". Bị cáo nhận tội không phải là tình tiết mới xuất hiện tại cấp phúc thẩm. Cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết này cho bị cáo.

Đây chỉ là nhận thức pháp luật của bị cáo. Về cơ bản, tại cấp sơ thẩm bị cáo đã thành khẩn khai báo hành vi của mình gây ra. Các tình tiết giảm nhẹ khác của bị cáo đã được cấp sơ thẩm đề cập như: Gia đình có công với cách mạng, hoàn cảnh khó khăn, gia đình bị hại xin giảm nhẹ hình phạt...

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo nhận thức hành vi của mình là có lỗi vô ý làm chết người. Do đó, bản án sơ thẩm TAND TP.Hòa Bình đã xét xử và tuyên án bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan.

Muốn giảm án, hoặc chuyển sang án treo cần phải có căn cứ: Cấp sơ thẩm chưa đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ hành vi phạm tội gây bất lợi cho bị cáo; Tại cấp phúc thẩm xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc hoặc ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt cho bị cáo; Tòa phúc thẩm phải giảm nhẹ hình phạt tù từ 42 tháng xuống mức 36 tháng.

Sau đó, tiếp tục giảm nhẹ cho hưởng án treo theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018 của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao; Bị cáo Lương và bị cáo khác là người trực tiếp có hành vi vô ý làm chết người được hưởng án treo thì những bị cáo khác gián tiếp, hành vi nhẹ hơn liên quan đến các nạn nhân chết sẽ có căn cứ được hưởng án treo.

T.V
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 95

Tin nổi bật