Trong suốt 2 năm qua, số lượng các sản phẩm hãng Karex bán ra thị trường đã lao dốc tới 40% do nhu cầu với bao cao su sụt giảm mạnh.
Giám đốc điều hành Goh Miah Kiat của Karex cho biết, quan hệ tình dục sử dụng bao cao su không hề tăng lên trong suốt thời gian đại dịch, bất chấp việc mọi người phải ở nhà nhiều hơn vì các lệnh phong toả.
Giám đốc điều hành Karex Goh Miah Kiat.
Theo giám đốc Goh, việc đóng cửa các khách sạn và phòng khám không thiết yếu như trung tâm chăm sóc sức khỏe tình dục, cùng với việc nhiều chính phủ dừng các chương trình phát bao cao su, đã góp phần làm giảm doanh số bán bao cao su của Karex.
Khi đại dịch bắt đầu bùng phát với những bất ổn kinh tế xuất hiện, Karex giả định rằng nhu cầu sử dụng bao cao su sẽ tăng cao do mọi người muốn kiểm soát sinh đẻ tại nhà. Thế nhưng, thay vào đó, Karex và cả các hãng khác chứng kiến nhu cầu bao cao su sụt giảm khi những đợt phong tỏa ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung.
"Chẳng hạn, ở Vương quốc Anh, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) phải đóng cửa hầu hết phòng khám không thiết yếu do COVID-19. Các phòng khám chăm sóc sức khỏe tình dục, nơi thường phát bao cao su, cũng tạm ngưng hoạt động", ông Goh nói.
Chính vì vậy, trong suốt 2 năm qua, số lượng các sản phẩm hãng bán ra thị trường đã lao dốc tới 40%. Cổ phiếu "ông lớn" trong ngành công nghiệp bao cao su cũng giảm mạnh 18% khi thị trường cho mặt hàng này có phần "hạ nhiệt". Trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 6/ 2020, công ty cũng ghi nhận khoản lỗ đầu tiên lên tới 240.000 USD kể từ năm 2013.
Điều này khiến Karex buộc phải chuyển sang sản xuất găng tay y tế để thích ứng với đại dịch. Hai dây chuyền với công suất lên tới 500 triệu chiếc găng tay mỗi năm sẽ sớm đi vào hoạt động. Mục tiêu sau đó sẽ là 10 dây chuyền sản xuất với 2,5 tỷ chiếc găng tay mỗi năm.
Công ty Karex sản xuất khoảng 5,5 tỷ bao cao su mỗi năm và xuất khẩu chúng đến hơn 140 quốc gia. Công này là nhà cung cấp cho các thương hiệu như Durex và ONE Condoms. Họ cũng sản xuất thương hiệu bao cao su của riêng mình.
Linh Chi (T/h)