(ĐSPL)- Dù đã chia tay nhưng khi nhìn thấy người yêu cũ đi chơi với anh Thọ, Toàn đã vô cớ ghen tuông rồi gọi đồng bọn đến "xử lý" nạn nhân.
Theo báo Công lý, sau một ngày xét xử phúc thẩm và nghị án kéo dài, ngày 14/11 TAND cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết cuối cùng với bị cáo Hoàng Cao Thắng (SN 1993, trú tại xã Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội) về tội Giết người.
Các bị cáo là đồng phạm của Hoàng Cao Thắng cũng được đưa ra xét xử với cùng tội danh trên là Nguyễn Trọng Toàn, Đỗ Công Đạt (cùng SN 1994), Nguyễn Trọng Oanh (SN 1992) và Nguyễn Trọng Binh (SN 1991), cùng trú tại xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Các bị cáo Thắng, Toàn, Đạt, Oanh và Binh tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: báo ANTĐ. |
Trước đó, ngày 10/9/2014, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt các bị cáo Hoàng Cao Thắng và Nguyễn Trọng Toàn cùng mức án tử hình, Đỗ Công Đạt 20 năm tù giam, Nguyễn Trọng Oanh 18 năm tù giam và bị cáo nguyễn Trọng Binh 14 năm tù về tội danh trên.
Sau phiên tòa sơ thẩm, tất cả 5 bị cáo trong vụ án này đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Thắng, Toàn, Đạt, Oanh và Binh đều ăn năn, hối hận về hành vi của mình đã tước đi mạng sống của anh Thọ, gây đau thương cho gia đình anh và mong muốn được nhận sự khoan hồng của pháp luật để các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, HĐXX quyết định chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, sửa một phần bản án sơ thầm. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Cao Thắng và Nguyễn Trọng Toàn từ tử hình xuống tù chung thân; bị cáo Đỗ Công Đạt từ 20 năm xuống còn 19 năm tù; bị cáo Nguyễn Trọng Oanh giảm từ 18 xuống còn 17 năm tù; bị cáo Nguyễn Trọng Binh giảm từ 14 xuống còn 10 năm tù về tội danh trên.
Như báo Pháp luật Plus đã thông tin trước đó, tối 28/1/2014, anh Lê Văn Thọ cùng nhóm bạn được chị Nguyễn Thị Tuyết và chị Hạ Thị Thanh rủ ra nhà văn hóa xem hát. Chứng kiến bạn gái cũ (chị Thanh) thân mật với anh Thọ, Nguyễn Trọng Toàn vô cùng tức tối nên liền nhờ một thanh niên cùng xóm bảo anh Thọ đi ra chỗ đối tượng nói chuyện. Giáp mặt “tình địch”, Toàn giáng luôn cho anh Thọ một cái tát khiến anh Thọ chảy máu mồm.
Anh Thọ toan xông vào đánh lại kẻ tát mình nhưng được nhóm bạn đi cùng can ngăn. Ngay sau đó, cả nhóm anh Thọ cùng về nhà Tuyết ngồi chơi. Chưa hả lòng, Toàn lập tức bảo Nguyễn Trọng Bình đi tìm Hoàng Cao Thắng, còn đối tượng thì rút điện thoại gọi cho Nguyễn Trọng Oanh đến để đánh nhau tiếp.
Thấy Toàn rủ đi xử lý “tình địch”, Thắng rủ thêm Đỗ Công Đạt cùng tham gia. Gặp nhau tại nhà văn hóa, cả bọn cùng kéo đến nhà chị Tuyết đánh anh Thọ.
Đến nơi, Toàn bảo Bình đứng ngoài cổng trông xe, sau đó đối tượng cùng đồng bọn xông vào quây đánh thanh niên xã bên cạnh. Thấy con dao gọt hoa quả để ở gầm bàn nước nhà Tuyết, Thắng liền chộp lấy rồi đâm 1 nhát vào ngực trái anh Thọ.
Tuy đồng bọn đã đâm trúng ngực “tình địch”, song Toàn và 2 đối tượng trong nhóm vẫn lao vào dùng điếu cày định đánh nạn nhân. Sự việc chỉ dừng lại khi chị Tuyết kêu gào, gọi bố đẻ đến cứu. Gây án xong, nhóm đối tượng bỏ trốn. Về phía anh Thọ, mặc dù được đưa ngay tới bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương thấu tim nên đã tử vong
Điều 93, luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội giết người như sau: 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]Dj47G7Xwsf[/mecloud]