Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hạn hán ở miền Trung kéo dài, ao hồ cạn trơ đáy, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng

(DS&PL) -

Để nấu ăn và tắm giặt hàng ngày, người dân nhiều địa bàn phải tới các sông, suối gần nhà chở nước về dùng.

Để nấu ăn và tắm giặt hàng ngày, người dân nhiều địa bàn phải tới các sông, suối gần nhà chở nước về dùng.

Theo tin từ VnExpress, tại Hà Tĩnh, nắng nóng kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay đã khiến mực nước trong các giếng đào, ao trữ nước, sông suối trên địa bàn xuống thấp, không còn khả năng cấp nước. Toàn tỉnh có hơn 2.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các huyện Kỳ Anh, Hương Khê.

Tại xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), giếng nước của gần 400 hộ dân ở thôn Lạc Thắng chỉ còn đọng lại vài chục cm dưới đáy, người dây chỉ có thể chắt những gáo nước vàng đục làm nước uống cho gia súc, gia cầm.

Tại Nghệ An, hạn hán cũng khiến hàng nghìn hộ dân lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nghiêm trọng nhất là các xã Mậu Đức, Đôn Phục, Thạch Ngàn và Yên Khê của huyện Con Cuông. Tại khu vực này, hàng trăm hộ dân thiếu nước sạch gần hai tháng qua.

Để nấu ăn và tắm giặt, hàng ngày người dân phải đi xe máy và mang can nhựa tới các sông, suối gần nhà chở nước về dù bị cảnh báo tình trạng bùng phát dịch bệnh do nước không đảm bảo vệ sinh.

Hạn hán ở miền Trung kéo dài, ao hồ cạn trơ đáy, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Ảnh: Tuổi trẻ

Tại Quảng Bình, mực nước tại các hồ chứa nước lớn của huyện Quảng Trạch như Vực Tròn, Tiên Lang, Trung Thuần chỉ đạt 17 đến 18%. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới thì hàng ngàn hộ dân của huyện Quảng Trạch phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Tại Quảng Nam, hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn thị trấn Trà My đang thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước ngầm cạn kiệt. Nhiều người dân đã phải lên thượng nguồn các con suối để lấy nước về nhà. Nhưng trong mùa khô hạn, lượng nước không đủ nên thượng nguồn và hạ du đều thiếu nước; có những hộ đã phải mua nước sạch để dùng tạm qua ngày.

Bên cạnh hạn hán, người dân miền Trung còn đang phải đối phó với tình trạng nhiễm mặn.

Tuổi trẻ đưa tin cho biết, tại khu vực cánh đồng lúa thuộc trạm bơm 3/2 xã Duy Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam), mấy ngày qua, người dân ở đây đã cùng nhau dựng một bờ đê bằng bao cát ngay trước trạm bơm để ngăn nước mặn từ sông Thu Bồn tràn vào.

Toàn bộ 7 trụ bơm tại trạm bơm điện 19/5 tưới tiêu cho gần 500ha lúa của ba xã Duy Phước, Duy Vinh, Duy An (Duy Xuyên) nửa tháng nay không thể hoạt động do nước mặn từ biển Cửa Đại tràn sâu vào thượng lưu sông Thu Bồn gây ra ngập mặn nặng.

Tại các huyện dọc sông Thu Bồn như Điện Bàn, độ xâm nhập mặn cũng gấp tới 12-13 lần so với mức cho phép.

Tại Hội An, nước sông Thu Bồn nhiễm mặn nặng nề đã khiến việc cấp nước ngọt cho phố cổ Hội An đình trệ. Ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh (Hội An) - cho biết 70% người dân xã này bị thiếu nước sinh hoạt suốt hai tháng qua.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng được du khách than thở trên các trang mạng chuyên về tour du lịch tại Hội An và các diễn đàn Facebook. Chủ các cơ sở kinh doanh du lịch ở Cẩm Thanh, Cẩm Châu cho biết nước khan hiếm khiến việc kinh doanh bị đình trệ. Nhiều cơ sở lưu trú phải tạm ngưng phục vụ.

Báo Tài nguyên và Môi trường dẫn số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, hiện nay, dòng chảy trên các sông thuộc khu vực miền Trung đang thiếu hụt khá nhiều, khoảng 35 đến 60% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Thậm chí, nhiều sông còn thiếu hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên)… Một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc.

Còn các hồ thủy lợi đang ở mức khoảng 30 – 60% dung tích thiết kế; các hồ thủy điện rất nhiều hồ xuống mức thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 15 – 20m như là hồ Ao Vương (Quảng Nam)… Đặc biệt, một số hồ đã xuống mực nước dưới mực nước chết như là hồ Trung Sơn (Thanh Hóa); hồ Sông Tranh 2, Sông Bung 4A (Quảng Nam); hồ Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5 (Bình Định). Tình hình dòng chảy các sông mà mực nước các hồ xuống thấp khiến cho việc hỗ trợ cung cấp nước ở khu vực này khá hạn chế.

Trước tình hình mưa, dòng chảy thiếu hụt và hạn hán đang diễn ra khá gay gắt ở miền Trung, Tổng cục Khí tượng thủy văn đề nghị các cơ quan chỉ đạo về phòng chống thiên tai cập nhật thường xuyên những thông tin nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực miền Trung để có những giải pháp kịp thời ứng phó.

Vũ Đậu (T/h) 

Tin nổi bật