Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hài nhảm "tung hoành" thị trường giải trí: Cần có sự can thiệp?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trước vấn nạn hài nhảm đang "tung hoành" như hiện nay, nhiều người lo lắng những hệ lụy để lại sau những chương trình hài mà không thể cười nổi.

(ĐSPL) - Trên các sóng truyền hình, từ đài quốc gia đến đài địa phương, không ít chương trình hài có nhiều yếu tố nhảm liên tục nắm giữ giờ vàng. Bên cạnh đó, thể loại này cũng "thống lĩnh" các tụ điểm sân khấu, rạp chiếu phim... Trước vấn nạn hài nhảm đang "tung hoành" như hiện nay, nhiều người lo lắng những hệ lụy để lại sau những chương trình hài mà không thể cười nổi.

Chương trình "Ơn giời! Cậu đây rồi" đang thu hút khán giả.

Cơn sốt hài nhảm

Trong năm vừa qua, khán giả dường như bội thực với dòng phim mùa Tết có nhiều yếu tố hài nhảm như Cưới chạy, Hai lúa, Cô dâu đại chiến, Năm sau con lại về... Dù rằng, các phim hài tết này huy động một lực lượng sao khá hùng hậu, từ những cái tên khá ấn tượng như Hoài Linh, Chí Tài, Trường Giang, Việt Hương... đến những ngôi sao ca nhạc cũng được tận dụng đóng phim như Maya, Phương Mỹ Chi... để thu hút sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, khi ra rạp, các bộ phim này không khẳng định được vị trí của mình, mà "lọt" vào danh sách các bộ phim hài nhảm. Cũng từ đó, niềm tin của khán giả với thể loại hài kịch ngày càng giảm.

Sau nhiều bộ phim hài tết nhảm, thời gian gần đây, hiện tượng hài nhảm một lần nữa lại được dịp "hoành hành". Hàng loạt các chương trình gameshow trên truyền hình đều hướng đến chuyện chọc cười khán giả để câu khách. Trong đó, có thể kể đến Ơn giời! Cậu đây rồi trên sóng VTV, Cười là thua trên sóng HTV7, Aha trên HTV7, Tài tiếu tuyệt trên HTV2, Gương mặt thân quen nhí... hoặc trên sóng truyền hình Vĩnh Long với chương trình Vui ơi là vui. Đã qua rồi cái thời các chương trình âm nhạc, múa hát, thể hiện các tài năng riêng biệt, giờ đây, các đơn vị truyền thông khá thông minh khi nắm bắt thị hiếu khán giả, để sản xuất ra những chương trình có yếu tố giải trí hài hước.

Do yếu tố chạy theo thị hiếu người xem, cũng như nghệ sỹ thể hiện không có năng lực về chuyên môn khiến những câu chuyện hài hước trên sóng truyền hình trở nên vô duyên, nhạt nhẽo. Trước xu hướng cười là chính, các nhà sản xuất vô tình tạo ra những hạt sạn trên sóng truyền hình, khiến người xem nhức mắt. Những ngôn ngữ chợ búa cũng được các nghệ sỹ đem lên sân khấu, còn các nhà sản xuất thì hào hứng đưa nó lên sóng truyền hình, bất chấp tác hại của nó đối với nhiều đối tượng khán giả.

Có lẽ nhiều khán giả chưa quên hình ảnh Việt Hương khá duyên dáng trong cách trình diễn, nhưng về mặt ngôn ngữ sân khấu, những từ ngữ phản cảm lại được danh hài này vô tư bộc lộ. Chẳng hạn ở đoạn hóa thân thành vợ Bá Kiến, Việt Hương và Anh Đức trong chương trình Ơn giời! Cậu đây rồi khiến khán giả bất ngờ, bởi những ngôn từ chợ búa như: Quất, dạo đầu, đè... quá táo bạo, khiến người lớn còn thấy ngượng ngùng, huống chi là trẻ em. Hay bên cạnh đó là một Phi Thanh Vân trong chương trình Ơn giời! Cậu đây rồi khá hồn nhiên khi phát ngôn: "Anh có bảo em tiêm chỗ nào đâu nên em tiêm vào bụng là đúng rồi. Em trật tay xuống tí xíu là tiêu luôn đấy". Hay Xuân Bắc rầu rĩ khi thương tiếc: "Chia buồn với buồng trứng của chị".

Phi Thanh Vân cũng là một khách mời của chương trình.

Bên cạnh đó, nhiều diễn viên hài thực hiện những hành động quái gở như liếm bánh kem để cố gắng chọc cười khán giả bằng hết các khả năng của mình. Song hiện nay, các chương trình gameshow hài khó thoát khỏi yếu tố nhảm, nhạt. Với chương trình Cười là thua cũng khiến khán giả khó chịu vì hài thì ít mà sạn thì nhiều. Chương trình không đem lại tiếng cười cho khán giả bằng sự dí dỏm của nghệ sỹ hay những tình huống bật cười, mà nhiều nghệ sỹ đã tự làm xấu bản thân trên sân khấu. Họ nhăn răng, nheo mắt, hù dọa buộc khán giả cười. Nhưng vì nghệ sỹ không thể hiện được những tình huống hài hước nên tiếng cười càng trở nên hiếm hoi.

Ngay cả một chương trình thi về tiếng hát cũng chịu sự chi phối yếu tố hài hước, như Cặp đôi hoàn hảo, hay Gương mặt thân quen... Yếu tố hài hước khá khiên cưỡng khi nam ca sỹ hóa thân thành nữ ca sỹ để chọc cười. Những chiêu trò gây sự chú ý mà các đơn vị sản xuất đang làm càng khiến cho bức tranh hài nhảm lan rộng trong showbiz Việt, chưa kể đến việc hàng loạt các clip hài ngắn, đang dần trở thành một xu hướng trong giới trẻ. Nhiều nhóm hài cũng chịu khó đầu tư kịch bản làm những câu chuyện ngắn thu hút người xem, dù rằng những clip hài này không được đánh giá cao về chất lượng. Tại một số tụ điểm sân khấu ở vùng ven của TP.HCM, như quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, quận 12... nhiều vở hài kịch còn mang yếu tố nhảm, bởi một số nghệ sỹ chạy quá nhiều show nên thiếu sự đầu tư vào các tác phẩm hài.

Không thể cười vội, cười ẩu

Trong xã hội hiện đại, nhiều người thay đổi hẳn cách giải trí thông thường. Song cũng từ đây, hàng loạt các hệ quả đi kèm cũng bị bộc lộ. Diễn viên hài Lê Anh, thường xuyên tham gia các vai hài tại TP.HCM chia sẻ: "Hiện nay, yếu tố hài hước khá được ưa chuộng, một phần, vì nhu cầu giải trí của mọi người nhằm làm giảm áp lực cuộc sống. Hài không phải là điều xấu, thậm chí làm hài rất khó. Việc lấy nước mắt của khán giả dễ dàng hơn việc khiến khán giả cười. Tuy nhiên, sở dĩ hài bị chê bai như hiện nay, là bởi cách làm gấp rút, chưa được đầu tư nhiều, dẫn đến tình trạng mất niềm tin của khán giả. Nếu như các nghệ sỹ hài có cách làm phù hợp thì chắc chắn sẽ khiến khán giả hài lòng".

Một chuyên gia truyền thông (xin được giấu tên) chia sẻ: "Do chạy theo yếu tố gây cười, khiến nhiều khán giả bị đánh lạc hướng. Cũng vì điều này, những hiện tượng xấu trong xã hội bỗng trở nên vụt sáng như ca sỹ Lệ Rơi, hay hotboy Kenny Sang. Người xem đang dễ dãi với các hiện tượng xấu. Lấy những phát ngôn lệch chuẩn, những giọng hát thiếu chất lượng để giải trí càng cho thấy sự tai hại của các nhu cầu giải trí hiện nay. Khi chúng ta dễ dãi cuốn theo những hiện tượng lệch chuẩn để mong tiếng cười thì các hệ lụy đau lòng khác cũng sẽ kéo theo".

Nhà văn Trần Huy Quang, Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Tiếng cười cần bộc lộ ở những câu chuyện nhân văn. Tuy nhiên, nếu cười trên cái xấu, cái khiếm khuyết của người ta, thì đó thực sự không còn là sự hài hước. Nó càng khiến con người vô cảm trước mọi hiện tượng xã hội, đồng thời con người trở nên yếu ớt và kém cỏi hơn, đây là một tình trạng xấu. Dẫu biết rằng, cuộc sống luôn cần những tiếng cười, song cần đầu tư vào chất lượng tiếng cười, không thể cười vội, cười ẩu như hiện nay".

Hài nhảm cần có sự can thiệp để chấm dứt. Một diễn viên hài tại TP.HCM chia sẻ thêm: "Hiện nay, tình trạng các nhà sản xuất, truyền hình đang lạm dụng yếu tố hài hước để lôi kéo khán giả xem chương trình. Trong khi đó, chất lượng của những chương trình này không được nâng lên. Mặt khác, với sự đắt đỏ của giờ vàng trên sóng truyền hình đã đẩy những nhà sản xuất muốn có yếu tố lời phải cân nhắc các chiêu trò lôi kéo khán giả. Khi khán giả đã chán với những màn hát hò, thì họ lại buộc khán giả cười bằng những tình huống nhạt nhẽo. Rõ ràng, yếu tố kinh tế đang chi phối nghệ sỹ quá nặng nề, còn yếu tố đạo đức, tài năng chưa theo kịp, dẫn đến nhiều bi kịch không chỉ trên sân khấu".

Danh hài xuất hiện nhiều khiến khán giả nhàm chán

Khi các chương trình hài lên ngôi, khán giả thấy sự xuất hiện dày đặc của Hoài Linh. Việc chạy theo các gameshow hài, các chương trình truyền hình thực tế, và phim tết... có lẽ khiến danh hài Hoài Linh mệt mỏi nên nhiều nhận xét của anh khá chung chung, thiếu tính sâu sắc. Bên cạnh Hoài Linh, sự xuất hiện liên tục của Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang... cũng khiến khán giả nhẵn mặt và thấy nhàm chán.

Thiếu các vở hài phản ánh xã hội

Một diễn viên hài giấu tên cho biết: "Hài kịch hiện nay nhiều nhưng thiếu vắng những vở châm biếm sâu cay về các vấn nạn xã hội như tham nhũng, lừa đảo, hối lộ... đang được nhiều người quan tâm. Giá như có phản ánh những vấn đề này thì chắc chắn sẽ được nhiều khán giả quan tâm".

Tin nổi bật