Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Tĩnh quyết "khai tử" mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

(DS&PL) -

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị chấm dứt dự án mỏ sắt Thạch Khê trước tháng 5/2021, đồng thời sẽ thu hồi diện tích 980ha đất khu vực mỏ để điều chỉnh quy hoạch.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị chấm dứt dự án mỏ sắt Thạch Khê trước tháng 5/2021, đồng thời sẽ thu hồi diện tích 980ha đất khu vực mỏ để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Mỏ sắt Thạch Khê thời điểm đầu năm 2011. Ảnh: VnExpress

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản gửi bộ Kế hoạch Đầu Tư (KH-ĐT) góp ý dự thảo phương án xử lý tổ hợp dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà (dự án mỏ sắt Thanh Khê).

Tỉnh này đề nghị Bộ báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án trước tháng 5/2021.

Mỏ sắt Thạch Khê trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư dự án từ năm 2008, triển khai đến năm 2011 phải tạm dừng để cơ quan quản lý thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông.

“Căn cứ Thông báo kết luận số 72-TB/TW ngày 9/5/2007 của Bộ Chính trị yêu cầu việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo điều kiện tốt cho phát triển bền vững, lâu dài của đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh hết sức thận trọng, khách quan, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện và nhất quán quan điểm chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê”, văn bản góp ý nêu rõ.

Sau khi có chủ trương chấm dứt dự án, Hà Tĩnh cam kết thực hiện các nội dung Trung ương giao, "thu hồi diện tích 980 ha diện tích đất khu vực mỏ để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển du lịch và phát triển các lĩnh vực khác phù hợp".

Theo bản quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, được trình tại buổi thẩm định quy hoạch ngày 23/3 tại Hà Nội, tỉnh sẽ đóng mỏ sắt Thạch Khê ít nhất đến năm 2070 (50 năm).

Tỉnh dự kiến khảo sát địa hình và vành đai đất, đánh giá chi tiết nguồn nước, chất lượng mặt nước ngầm ở hạ lưu, đề xuất kỹ thuật cho cơ sở hạ tầng du lịch được đặt trên hoặc liền kề với khu mỏ, cải tạo sinh thái để tái thiết lập quần thể đa dạng sinh học, xác định vị trí cho cơ sở hạ tầng cần thiết như nhà máy xử lý nước và xử lý nước thải.

Trước đó, trong nhiều văn bản gửi Trung ương xin tạm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh cho rằng có nhiều vấn đề lo ngại đối với dự án nếu tiếp tục.

Dự án có công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường. Phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn.

Ngoài ra, dự án có nguy cơ gây ra sự suy giảm, thậm chí cạn kiệt nước ngầm, gây xâm nhập mặn, hoang mạc hóa, sạt lở đất ở phạm vi rộng (kể cả TP.Hà Tĩnh khoảng cách đến mỏ sắt chưa đến 6km).

Chỉ tập trung quặng giàu có điều kiện khai thác thuận lợi, còn quặng khó khai thác thì bỏ lại, lãng phí tài nguyên.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà, gồm Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc, cách TP.Hà Tĩnh 8 km, tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821 ha.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm, với sự tham gia của nhiều cổ đông, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)...

Dự án được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, đáp ứng được nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao và giá rẻ cho ngành luyện kim trong nước...

Trong giai đoạn 2008 - 2011, dự án đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng.

Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc về huy động và góp vốn nên dự án tạm dừng.

Đến tháng 11/2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.

Cuối năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần trình Trung ương xin dừng dự án vì gây ra nhiều hệ lụy nhưng chưa nhận được phản hồi. 

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật