Số lượng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Versace, Gucci, Adidas, LV, Burberry, Chanel, Dior… lên tới trên 3.000 sản phẩm.
Chiều 29/3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 16 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế - Công an quận Long Biên đã ập vào kiểm tra kho hàng tại địa chỉ số nhà 30, ngõ 56, ngách 139 Thạch Cầu, Long Biên, TP. Hà Nội.
Kho hàng được đối tượng Bùi Thị Giang (sinh năm 1988, thường trú tại Thọ Ngọc, Triệu Sơn, Thanh Hóa) thuê để chứa các sản phẩm giày dép nghi giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Burberry, Zara, Dior, Louis Vuiton, Adidas..., theo báo Tuổi Trẻ.
Kho hàng hơn 3.000 sản phẩm giày dép giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường. |
Việc kiểm tra được thực hiện theo Quyết định số 888 của Tổng cục Quản lý thị trường về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 5 năm 2021-2025 (thay thế Quyết định 3972).
Kho hàng lên đến hàng nghìn sản phẩm được chủ cơ sở sắp xếp ngay ngắn và phân chia theo thương hiệu. Phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ, đoàn kiểm tra mới có thể phân loại các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm tại cơ sở này.
Số lượng giày dép là rất lớn nên lực lượng QLTT số 6 phải mất nhiều thời gian để kiểm đếm. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường. |
Báo Công an Nhân dân dẫn lời ông Nguyễn Sỹ Bình, Đội trưởng Đội QLTT số 16, Cục QLTT Hà Nội, để triệt phá được cơ sở này, lực lượng chức năng phải trinh sát, theo dõi qua nhiều tháng. "Cơ sở kinh doanh này hoạt động chủ yếu bằng hình thức online, livetreams bán hàng qua mạng xã hội facebook và qua một số nền tảng thương mại điện tử.
Theo kiểm đếm sơ bộ, lượng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Versace, Gucci, Adidas, LV, Burberry, Chanel, Dior… lên tới trên 3.000 sản phẩm", ông Bình thông tin.
Một đôi giày mang thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường. |
Nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, chủ cơ sở thường xuyên đóng cửa, chỉ khi có giao dịch hàng hóa, chủ hàng mới mở cửa, giao hàng đi cho khách. Tại đây, chủ cơ sở không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, đồng thời khai nhận nhập hàng từ một nguồn không quen biết trên mạng xã hội về kinh doanh kiếm lời, theo Tuổi trẻ.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành thu giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để làm việc với đại diện chủ thể quyền các hãng từ đó xác định mức độ vi phạm của cơ sở và xử lý theo quy định.
Lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục kiểm đếm số hàng hóa thu giữ và làm việc, đấu tranh với chủ hàng để xác định nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.
Bích Thảo (T/h)