Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, Hà Nội được hoàn thành vào năm 1985. Sau hơn 30 năm, nhiều hạng mục cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp, khiến người tham gia giao thông lo lắng.
Mỗi ngày có tới hơn 95.000 lượt xe qua cầu, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Hiện, nhiều bộ phận, kết cấu của cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, thuộc sở Giao thông Hà Nội cho biết trên báo Giao thông, lớp bê tông nhựa phần mặt cầu chính bị nứt vỡ ngang mặt đường, tập trung chủ yếu ở các vị trí trên dầm ngang cầu và khe nối gây thấm nước xuống bên dưới.
Chính điều này làm gia tăng mức độ phá hỏng lớp bê tông lưới thép dày 6cm cũng như thấm nước xuống đáy bản mặt cầu và các cấu kiện thép bên dưới. Lớp bê tông dày 14cm dưới hệ bản mặt cầu có hiện tượng vỡ cục bộ do gỉ cốt thép bên trong…
Trên cầu hiện còn một số khe co giãn cũ và lan can cầu có chiều cao thấp (chỉ cao 1,1m tính từ mặt cầu), gờ bê tông nhỏ gây tâm lý không an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt trong điều kiện thời tiết giông, gió…
Cầu Chương Dương xuống cấp. (Ảnh: Báo Giao thông)
Ngày 5/12, trao đổi với Dân trí, bà Đỗ Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc công ty Công trình giao thông Hà Nội (đơn vị quản lý, duy tu cầu Chương Dương) cho biết, hiện đơn vị đã bàn giao mặt bằng cầu cho đơn vị kiểm định xem xét, đánh giá tình trạng xuống cấp một số hạng mục của cây cầu.
"Công tác duy tu cầu chúng tôi vẫn đang tiến hành làm thường xuyên. Sau khi đơn vị chức năng kiểm định xong toàn bộ hạng mục cầu Chương Dương, họ sẽ ra khuyến cáo và cơ quan quản lý sẽ lên phương án sửa chữa tổng thể cầu Chương Dương. Dự kiến đến hết tháng 12, việc kiểm định hoàn thành", bà Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, hiện cầu có 11 khe co giãn, đã sửa chữa được 8 khe còn lại 3 khe hư hỏng tại trụ T4, T7 và T8A.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị quản lý cầu đã thực hiện sơn nnútkết cấu thép khoảng 1.200m2, thảm mặt cầu bằng bê tông Polynesia 1.100m2, vá ổ gà khoảng 150m2, sơn kẻ bê tông 650 m2, sửa chữa khe cao su 6m.
Hiện, để giảm tải và tránh ùn tắc lối lên xuống cầu Chương Dương, từ hướng đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, Hà Nội đã xây dựng thêm hệ thống vòng xoay ở phía Nam, song hiện phương án này không còn khả thi vì lượng phương tiện cá nhân qua khu vực này quá lớn.
Việt Hương (T/h)