Trong cuộc chiến kéo dài sáu tuần gần đây quanh vùng Nagorno-Karabakh, theo thống kê tới hiện tại, hơn 2.300 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng.
Xung đột dữ dội tại khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP |
Ngày 14/11, Bộ Y tế Armenia cho biết quá trình trao đổi thi thể binh sĩ với Azerbaijan sau cuộc giao tranh đã được khởi động. Cơ quan này đã khám nghiệm 2.317 thi thể quân nhân nước này. Một số binh sĩ chưa thể xác định danh tính.
Phát ngôn viên Alina Nikoghosyan của Bộ Y tế Armenia cho biết quá trình trao đổi thi hài với Azerbaijan chỉ mới được bắt đầu nên chưa thể báo cáo số lượng thương vong chính xác.
Chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh cùng vùng lân cận bùng phát hôm 27/9, là đợt xung đột vũ trang đẫm máu nhất sau khi hai nước đình chiến năm 1994. Khoảng 5.000 binh sĩ cùng dân thường của Armenia và Azerbaijan thiệt mạng trong đợt giao tranh.
Trong cuộc chiến kéo dài sáu tuần gần đây, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò tích cực trong việc cố gắng đưa cuộc chiến đi đến hồi kết. Là một bên tham gia xung đột, Armenia cũng là đồng minh của Nga vì hai nước đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Mặc khác, Azerbaijan có mối quan hệ gần gũi với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 9/11, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Azerbaijan Aliyev và Thủ tướng Armenia Pashinyan ký một tuyên bố chung về ngừng bắn hoàn toàn tại Nagorno-Karabakh bắt đầu từ ngày 10/11.
Theo thỏa thuận, Armenia mất quyền kiểm soát những lãnh thổ mà họ kiểm soát trước đây và lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga được triển khai tới khu vực này. Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hiện diện tại khu vực nhưng Ankara sẽ nắm giữ vai trò giám sát tình hình.
Ngoài ra, Baku và Yerevan phải trao đổi tù binh và thi thể những người đã khuất.
Sau thỏa thuận ngừng bắn, hàng trăm người Armenia tại thủ đô Yerevan tràn vào đập phá dinh thủ tướng và tòa nghị viện, ẩu đả với các nghị sĩ và đánh bất tỉnh Chủ tịch quốc hội Ararat Mirzoyan. Hàng nghìn người Armenia ngày 11/11 tiếp tục biểu tình phản đối thỏa thuận ngừng bắn, gọi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan là "kẻ phản bội" và yêu cầu ông từ chức.
Ông Pashinyan nói thỏa thuận ngừng bắn khiến dân Armenia giận dữ, song tin đó là lựa chọn đúng đắn để bảo vệ các binh sĩ.
"Điều này đến sau khi Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Armenia báo cáo cần dừng khẩn cấp cuộc chiến. Lãnh đạo vùng Nagorno-Karabakh cho biết thủ phủ Stepanakert có thể thất thủ trong vài giờ", Thủ tướng Armenia chia sẻ.