Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giảng viên đại học xin điện thoại cũ để “tiếp tế” cho học trò nghèo

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Chứng kiến nhiều học trò nghèo không có cơ hội tiếp cận với học trực tuyến do thiếu thiết bị, giảng viên đại học đã xin điện thoại cũ, thức thâu đêm sửa chữa để kịp trao tặng học trò nghèo.

“Cầu nối” cho học trò nghèo học trực tuyến

Tình cờ biết được có những học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận với học trực tuyến do không có điều kiện trang bị thiết bị, thầy Nguyễn Ngọc Dũng (42 tuổi, giảng viên thỉnh giảng khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Phương Đông) không khỏi xót xa, trăn trở tìm cách hỗ trợ.

Chia sẻ về ý tưởng “tiếp tế” thiết bị cho học sinh trong mùa dịch này thầy Dũng cho biết: “Con tôi năm nay lên lớp 3. Trong cuộc họp trực tuyến giữa chính quyền xã Phù Đổng với các trường và hội cha mẹ học sinh trước thềm năm học mới, tôi nhận thấy một vấn đề khó khăn đang tồn tại với nhiều học sinh nghèo, đó là thiếu thiết bị để học trực tuyến.

Thấy vậy, tôi không muốn việc học tập của các con bị gián đoạn, nên đã nhắn tin gọi điện cho bạn bè, đồng thời đăng tải trên Facebook của mình, xin điện thoại cũ cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mục đích của chương trình “Tiếp sức em thơ, giúp em học online” chính là mang đến phương tiện học tập cho học sinh tại địa phương sinh sống, gồm mầm non, tiểu học, THCS Phù Đổng”.

Chưa đầy một tuần sau đó, thầy Dũng đã nhận được 13 triệu đồng cùng khoảng 30 chiếc điện thoại cũ từ bạn bè, người thân và các nhà hảo tâm. Trong đó, 10 chiếc quá cũ, không thể khôi phục, cấu hình chậm hoặc khó mua được linh kiện thay thế. Đối với những chiếc điện thoại còn dùng được, thầy tự mày mò sửa chữa, thay màn hình và cài đặt phần mềm, ứng dụng phục vụ học trực tuyến.

Đồng hành cùng thầy Dũng trong quá trình sửa lại những chiếc điện thoại cũ ấy chính là người bạn thân Nguyễn Văn Tiến (Bí thư Chi đoàn thôn Phù Đổng 2). Bên cạnh những kiến thức sửa chữa cơ bản, có điều gì không biết, thầy Dũng lại cùng bạn lên mạng tìm hiểu, thảo luận để tìm cách khắc phục.

Thầy Nguyễn Ngọc Dũng trao điện thoại tại Trường Tiểu học Phù Đổng.

Ngoài những chiếc điện thoại đi xin được, thầy Nguyễn Ngọc Dũng cũng bỏ thêm tiền quỹ trang tình nguyện của mình để mua mới 5 chiếc điện thoại, chuyển đến tay học sinh, đồng thời hỗ trợ đăng ký sim và thanh toán tiền mạng.

Với những học sinh không kịp đến trường để nhận điện thoại, thầy Dũng sẽ cùng đại diện nhà trường đến tận nhà, trao tận tay cho học sinh. Những chuyến đi cũng khiến thầy được chứng kiến nhiều câu chuyện rất xúc động.

Nhắc đến một lần đi trao điện thoại, thầy Dũng vẫn không giấu được tiếng thở dài vì thương: “Ấn tượng với tôi là một em bé có người bố không được khỏe mạnh bình thường. Bé được nhận điện thoại khi đang được mẹ chở trên một chiếc xe đạp thồ.

Bất ngờ nhận được món quà nhỏ, mẹ bé òa khóc nức nở và cảm ơn rối rít, khiến cô giáo Hiệu trưởng và tôi cũng không nói nên lời. Trước hoàn cảnh của bé, chúng tôi đã hỗ trợ thêm tiền, gạo và nhu yếu phẩm để gia đình con đỡ được phần nào nỗi lo mưu sinh giữa mùa dịch”.

Chia sẻ về những khó khăn khi xin điện thoại cho học trò nghèo, thầy Dũng cho hay: “Thử thách lớn nhất đối với tôi chính là vấn đề thời gian, quá gấp trước thềm năm học mới. Vấn đề thứ hai chính là lượng máy cũ do vỡ nát quá nhiều nên rất khó khắc phục, nhất là khi phải mua linh kiện thay thế trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay. Thời gian ít, quỹ lập ra đã hỗ trợ dịch bệnh, nên cũng rơi vào tình trạng khó khăn".

Giúp những người cùng “cảnh ngộ”

Xuất thân trong một gia đình không dư dả về kinh tế, việc học cũng từng bị gián đoạn, nên thầy Dũng vẫn luôn đồng cảm với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là động lực chính để thầy giúp đỡ những người xung quanh.

Sau khi có duyên trở thành giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Phương Đông, thầy Dũng gom được không ít kỷ niệm đặc biệt. “Tôi ấn tượng với một sinh viên, lúc học xong phổ thông, phải chờ đến 4 năm sau mới có thể đi học đại học, bằng chính những đồng tiền vất vả kiếm được, với đủ thứ việc, từ đi đánh giày, đến rửa bát, phụ vôi... Sinh viên ấy rất chăm học, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, mặc dù gia cảnh cũng rất phức tạp và khó khăn.

Đó là hình ảnh gợi nhớ quá khứ của chính tôi khi vào đại học. Khi ấy, tôi không thể học sư phạm, báo chí ngay năm đầu tiên thi đỗ, vì lúc đó nhà tôi rất nghèo, anh em chúng tôi đều phải theo chân bố ra chợ Đồng Xuân kiếm sống. Bố và các anh thì bốc vác, còn tôi phụ đẩy những chiếc xe thồ lên ngược dốc cầu Long Biên, xin những đồng bạc lẻ. Phải đến 4 năm sau, tôi thi lại và đã may mắn vừa đủ điểm đỗ vào Trường Đại học Phương Đông”, thầy giáo 42 tuổi nhớ lại.

Những buổi trực chốt đêm được tận dụng để sửa điện thoại. (Ảnh: NVCC).

Suốt 6 năm qua, thầy Nguyễn Ngọc Dũng thường xuyên tham gia hoạt động tình nguyện trên một fanpge mang tên quê hương của mình - “Phù Đổng TV”.

“Tôi làm quảng cáo cho các doanh nghiệp không thu phí, bù lại, doanh nghiệp họ hỗ trợ tôi công tác thiện nguyện cho người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em và bắt đầu từ đại dịch Covid-19 cho tới nay. Một số bạn bè và mạnh thường quân thấy vậy, cũng rất ủng hộ tôi làm việc này.

Thêm nữa, con tôi cũng từng rơi vào cảnh nguy hiểm khi năm 2013 bệnh sởi bùng phát. Ngày đó, bé mới chỉ 2 tháng tuổi. Suốt 6 tháng ròng rã nằm viện, chúng tôi đã rất khó khăn, nhưng nhờ có các mạnh thường quân hỗ trợ cơm, sữa, bỉm chúng tôi được an ủi phần nào. Đến khi con chiến thắng bệnh tật, tôi bắt đầu công cuộc hỗ trợ cho trẻ em, bắt đầu từ chính Bệnh viện Nhi Trung ương, rồi Bệnh viện K..., mà đối tượng tôi nhắm tới là trẻ em”, nam giảng viên bộc bạch.

Không chỉ tặng điện thoại và hỗ trợ trẻ em nghèo, thầy Dũng còn tham gia vào các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương.

Nhiều hôm, thầy phải thức tới 2h sáng để sắp xếp công việc, từ hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho hộ nghèo, cận nghèo, tạm trú trên địa bàn đến các điểm chốt phòng chống dịch, giúp trạm y tế trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin.

Thầy Dũng vẫn luôn tự nhủ, các hoạt động thiện nguyện của mình chỉ là một sự đóng góp nhỏ nhoi, âm thầm cho xã hội.

Tuệ Nhi

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Số Thứ 5 (161)

Tin nổi bật