Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo Nghị định trên, trong trường hợp kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học (chưa đến mức bị truy cứu hình sự), giảng viên bị phạt 5-10 triệu đồng.
Ngoài nộp phạt tiền mặt, người gây ra hành vi phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm, trừ trường hợp nạn nhân yêu cầu không công khai. Giảng viên nếu kỷ luật sinh viên sai quy định thì phải hủy bỏ quyết định, khôi phục quyền học tập với sinh viên. Những điều khoản liên quan việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của giảng viên và người học là điểm mới của Nghị định 88 so với quy định hiện hành.
Trong quá trình quản lý hồ sơ người học, nếu giảng viên sửa chữa các tài liệu liên quan việc đánh giá kết quả của sinh viên hoặc lập, lưu trữ, bảo quản hồ sơ không đúng quy định, mức phạt được áp dụng là từ 5 đến 10 triệu đồng. Khi thu, giữ, quản lý giấy tờ của sinh viên không đúng quy định, giảng viên bị phạt 10-20 triệu đồng. Mức phạt cũ là 2-5 triệu đồng.
Một điểm mới nữa của nghị định này là giảng viên bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian được cử đi đào tạo ở nước ngoài hoặc không được tốt nghiệp. Mức phạt tăng lên 40-60 triệu đồng nếu giảng viên lợi dụng việc đi học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật để đi lao động hoặc ở lại nước ngoài trái pháp luật. Trong trường hợp khai man, sửa chữa hồ sơ để được ra nước ngoài, giảng viên bị phạt 10-20 triệu đồng.
Phạt 5-10 triệu đồng với hành vi xúc phạm nhà giáo
Nghị định 88 cũng quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định đối với nhà giáo, người dạy và người học.
Cụ thể, Nghị định quy định phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền 10-15 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo.
Đối với hành vi không thực hiện đánh giá, xếp loại; không xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; không bố trí nhà giáo đi thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn theo quy định bị phạt 15-20 triệu đồng.
Phạt 10-20 triệu đồng nếu không ký hợp đồng với nhà giáo thỉnh giảng
Đối với các vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo, người dạy, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng nếu không ký hợp đồng với nhà giáo thỉnh giảng theo quy định; bố trí nhà giáo giảng dạy vượt quá định mức giờ giảng theo quy định.
Nghị định cũng quy định rõ phạt tiền đối với hành vi sử dụng nhà giáo, người dạy không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ để giảng dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác hoặc không phù hợp với chuyên môn được đào tạo theo các mức phạt sau:
- Phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp;
- Phạt tiền 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy trình độ sơ cấp;
- Phạt tiền 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Nghị định số 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/12.
Hoàng Yên (T/h)