Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gian lận điểm thi Hà Giang: Con Bí thư Triệu Tài Vinh đấy!

(DS&PL) -

Tại buổi xét xử vụ sửa điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, bị cáo Triệu Thị Chính là người duy nhất bác cáo buộc của VKS.

Tại buổi xét xử vụ sửa điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, bị cáo Triệu Thị Chính là người duy nhất bác cáo buộc của VKS.

Bị cáo Triệu Thị Chính tại phiên tòa. Ảnh: Zing 

Chiều 15/10, HĐXX bắt đầu xét hỏi bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, người cuối cùng trong số 5 bị cáo được thẩm vấn.

Theo báo Tri Thức Trực Truyến, khác với 4 bị cáo trước, bà Chính không đồng ý với nội dung buộc tội trong cáo trạng của VKS.

Cáo trạng cho thấy, bị cáo Triệu Thị Chính không thực hiện đúng nhiệm vụ của Trưởng ban chấm thi, vi phạm quy chế thi. Bị cáo này đưa danh sách 12 thí sinh nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm môn Ngữ văn và một thí sinh nhờ xem điểm.

Hai bị cáo Triệu Thị Chính và Nguyễn Thanh Hoài thống nhất số điểm cần nâng nhưng vì điều kiện khách quan, bị cáo Hoài chưa nâng điểm được.

Đứng trước tòa, cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT thừa nhận bản thân đưa danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài để nhờ xem điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, không nhờ nâng điểm.

"Trong số đó có con ông Triệu Tài Vinh, con bị cáo Phạm Văn Khuông, cháu ruột của tôi và con em người thân, đồng nghiệp", bà Chính trình bày.

Ngoài ra, bị cáo này cũng nhận tin nhắn của nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương nhờ xem điểm thí sinh, gồm ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc sở GD&ĐT, nhờ xem điểm cho 3 thí sinh), bà Chúng Thị Chiêng (Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang), bà Lại Thị Hương (Phó chánh văn phòng UBND tỉnh) cùng nhiều cán bộ sở, ngành.

Riêng ông Sử, bị cáo Chính khai ngoài nhắn tin cho cấp dưới, ông Sử còn gặp riêng và nói: “Năm nay có con anh Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh đấy”. Nghe vậy, bà Chính nói: "Em biết rồi”.

Giải thích lý do không đồng ý với cáo trạng, nữ bị cáo nói bản thân không thống nhất với Nguyễn Thanh Hoài về số điểm cần nâng của bất kỳ thí sinh nào. Thực tế, trong 13 thí sinh trên danh sách bà đưa cho bị cáo Hoài và tất cả thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018, không ai được nâng điểm môn Ngữ văn.

Sau hơn một giờ đứng cầm tập tài liệu để khai báo, cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT xin được ngồi để tiếp tục trả lời thẩm vấn.

"Tôi khẳng định không nhờ anh Hoài nâng điểm thi, sai đến đâu tôi xin chịu trách nhiệm đến đó", bị cáo Chính khai trước HĐXX và thừa nhận "lỗi của tôi là để tình cảm xen vào công việc".

"Tại cơ quan điều tra, bị cáo có bị ép cung, mớm cung hay tự nguyện khai báo?", chủ tọa xét hỏi. Đáp lời thẩm phán, bà Chính nói không bị ép cung.

Tiếp tục thẩm vấn bị cáo, luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bà Triệu Thị Chính) đưa ra thắc mắc liệu nữ thân chủ có "mong muốn kiến nghị HĐXX làm rõ yếu tố vụ lợi để nhờ nâng điểm trong vụ án?".

Bà Chính nói trân trọng kiến nghị tòa xem xét có hay không yếu tố vụ lợi vật chất để nhờ nâng điểm.

Trước đó, liên quan đến vụ việc, báo Người Đưa Tin cho hay, trong phiên giải trình của bị cáo Triệu Thị Chính - cựu Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.

Đứng trước HĐXX, bị cáo Chính không nhất trí với nhiều nội dung của bản cáo trạng mà VKSND đưa ra, đồng thời, phản bác mọi lời khai của cấp dưới là bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang).

Theo đó, bị cáo Chính khai chỉ nhờ Hoài “xem điểm” môn Ngữ văn cho 13 thí sinh chứ không nhờ Hoài “nâng hay can thiệp sửa điểm”.

Sau mỗi câu nói của bị cáo Chính, bị cáo Hoài ngồi phía sau chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng, Hoài lắc đầu tỏ thái độ, cười khẩy khi nghe bị cáo Chính giải trình tại toà.

Phiên toà sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 14, 15, 16/10. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, nguyên trưởng và phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, sở GD&ĐTtỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự.

Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.

Thủy Tiên (T/h)


Tin nổi bật