Như đã đưa tin, mới đây, Pháp thông báo nước này sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa để hỗ trợ Kiev trong cuộc phản công Nga. Cụ thể, phát biểu ngày 11/7 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Litva, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, việc hỗ trợ tên lửa này sẽ giúp Ukraine "có khả năng tiến hành các cuộc tấn công quan trọng”.
Ông Macron không nêu cụ thể loại vũ khí sẽ được cung cấp nhưng các quan chức chính phủ Pháp nói rằng Tổng thống đang muốn nhắc đến tên lửa SCALP có tầm bắn 250km. Thông báo này được đưa ra một vài tháng sau khi Anh bắt đầu vận chuyển các tên lửa tầm xa Storm Shadow cho Ukraine.
SCALP là gì?
Tên lửa tầm xa SCALP được biết đến với độ chính xác và khả năng tấn công các mục tiêu từ xa. Sau khi ra mắt vào năm 2003, loại tên lửa này đã trở thành một khí tài quan trọng trong các hoạt động quân sự của nhiều quốc gia.
SCALP là một biến thể của Storm Shadow với tầm bắn xa hơn, tối đa là 560 km. Được phát triển chung bởi Pháp và Vương quốc Anh, những tên lửa này đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột khác nhau trên thế giới.
SCALP nặng 1.300kg, có chiều dài 5,1 m và đường kính 0.48 m. Đầu đạn mà tên lửa mang theo nặng 450 kg đủ sức xuyên phá mục tiêu ở khoảng cách xa.
Loại tên lửa này có thể được mang trên nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau, chẳng hạn như Mirage 2000, Rafale, Su-24, Tornado và Typhoon.
Được chế tạo bởi nhà sản xuất châu Âu MBDA, đây là vũ khí tầm xa nhất mà phương Tây cung cấp cho Kiev cho đến nay - gấp ba lần Storm Shadow được Anh chuyển giao vào tháng 5.
Tên lửa này có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa ở khu vực phía Đông Ukraine. Tính linh hoạt và khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất khiến chúng trở thành vũ khí quan trọng của lực lượng không quân Pháp và Anh.
Tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP EG treo dưới bụng tiêm kích Pháp. Ảnh: MBDA
SCALP hoạt động như thế nào?
Tên lửa SCALP sử dụng điều hướng quán tính, GPS và tham chiếu địa hình để lập biểu đồ hướng bay ở độ cao thấp tới mục tiêu để tránh bị phát hiện.
Tên lửa sử dụng một camera hồng ngoại để khớp hình ảnh của mục tiêu với một bức ảnh được lưu trữ “nhằm đảm bảo một cuộc tấn công chính xác và thiệt hại tài sản một cách tối thiểu”.
Ông Ivan Klyszcz, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Estonia, cho biết những khả năng như vậy “có vai trò quan trọng với lực lượng của Ukraine nhằm làm gián đoạn chuỗi hậu cần cũng như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga”.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa SCALP có thể giúp ích cho chiến lược tấn công hiện nay của Ukraine, được cho là "tiến công chậm để bảo vệ lực lượng và hạn chế tối đa thương vong", chuyên gia này đánh giá.
Phản ứng của Nga
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, quyết định của Pháp khi cung cấp tên lửa này là "một sai lầm" và điều đó sẽ gây ra tổn hại cho phía Ukraine. "Dĩ nhiên, điều đó buộc chúng tôi phải đưa ra các biện pháp phản ứng", ông Peskov nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS
Moscow cho biết các đợt vận chuyển vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến diễn biến xung đột. "Chúng chỉ làm xấu đi số phận của chính quyền Kiev", ông Peskov nói.
Trước đó, Nga cùng đã phản ứng trước việc Anh cung cấp tên lửa tầm xa Storm Shadow cho Kiev, cảnh báo Anh có nguy cơ "bị kéo hoàn toàn" vào xung đột.
Mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết NATO đã can thiệp sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine qua việc cung cấp vũ khí, lính đánh thuê, tài chính và thông tin tình báo cho Kiev.
"Bạn nghĩ rằng NATO không tham gia vào cuộc xung đột với Nga? Trên thực tế, NATO đã cung cấp tất cả vũ khí, binh lính, chuyên gia, cố vấn và thông tin tình báo cho chính quyền Kiev. NATO chắc chắn đã tham gia vào các hoạt động quân sự trên, điều đó đã rõ ràng. Chính NATO đã đẩy chính quyền Kiev đến tình thế này", bà Maria Zakharova nhận định.
Mộc Miên (Theo Aljazeera)