Theo dữ liệu từ bộ Công Thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/8 tiếp tục giảm 5-6 USD/thùng so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 104,9 USD/thùng; xăng RON 95 là 108,92 USD/thùng. Đáng chú ý, có thời điểm xăng RON 92 xuống còn 100 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 đến nay.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 110,6 USD/thùng xăng RON 92; 114,4 USD/thùng xăng RON 95 và 130,5 USD/thùng dầu diesel.
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM cho biết từ sau kỳ điều hành ngày 1/8, giá dầu thô thế giới liên tục giảm. Do đó, dự báo kỳ điều hành ngày mai, giá xăng sẽ giảm tương ứng khoảng 1.000-1.200 đồng/lít, dầu giảm quanh mức 1.500 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng dầu có thể giảm ít hơn.
Ảnh minh họa. Ảnh: Lao động.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết hiện giá dầu thô WTI và Brent vẫn tiếp tục dao động quanh ngưỡng 90-95 USD/thùng. "Dự kiến giá xăng dầu trong nước sẽ giảm tiếp khoảng 800-1.000 đồng/lít, đưa giá mặt hàng này về mức tương đương đầu năm", vị này cho hay.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần giảm thứ 5 liên tiếp, đưa giá xăng E5 RON 92 và RON 95 về mốc 23.500 đồng và 24.500 đồng/lít. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp lớn đã dương trở lại. Trong đó, tính đến 1/8, Petrolimex đã dương 305 tỷ đồng. Tại PV Oil, số dư quỹ từ âm hơn 1.099 tỷ đồng (ngày 1/7) cũng giảm xuống còn âm hơn 980 tỷ đồng.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 1/8, giá xăng E5 RON 92 trong nước đã giảm 450 đồng/lít, còn 24.620 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 470 đồng/lít, còn 25.600 đồng/lít.
Ngày 8/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51 sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, theo VnEpress.
Theo đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%.
Thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là thuế được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ với Việt Nam.
Thực tế, giảm 10% thuế MFN với xăng động cơ, xăng không pha chì không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng, bởi tỷ trọng nhập khẩu từ các nước áp thuế này hiện chiếm không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ cả nước.
Nhưng việc giảm thuế này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông. Việc này giúp tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay nếu nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.
Theo bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức bình quân chung của nhiều nước. Chẳng hạn, thuế trong giá xăng ở nhiều nước hiện dao động 40-55%, dầu là 35-50%, trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn.
Tại Việt Nam, sau 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4 và 7, hiện thuế trong giá xăng chiếm khoảng 19,4-22% (với xăng E5 RON 92 hoặc RON 95-III) và 11,05% (với dầu diesel).
Linh Chi (T/h)