Phiên đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) đã hoàn thành vào cuối ngày 10/12 với kết quá khá bất ngờ.
Cụ thể, lúc 15h32 ngày 10/12, sau 140 lượt trả giá, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 với giá 5.026 tỉ đồng. Lô đất này có diện tích 5.009,1m2 với giá khởi điểm hơn 728 tỉ đồng.
Đến 16h35 cùng ngày, Trung tâm đấu giá tài sản TP.HCM hoàn tất phiên đấu giá cuối cùng đối với lô đất 3-12, có diện tích 10.059,7m2, giá khởi điểm hơn 2.942 tỉ đồng. Sau 70 lượt trả giá, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá với giá chốt là 24.500 tỉ đồng.
Vào sáng hôm đó, 2 phiên đấu giá thành công với 2 lô đất 3-5 và 3-8 với giá trúng lần lượt là 3.820 tỉ đồng và 4.000 tỉ đồng. Hai khách hàng trúng đấu giá 2 lô đất trên lần lượt là Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega.
Tổng cộng qua đấu giá 4 lô đất đã mang về khoản ngân sách cho TP.HCM là 37.346 tỉ đồng. Các lô đất trên do Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM đại diện sở hữu.
Giá trúng thầu cao ngất ngưởng của 4 lô đất Thủ Thiêm đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cao bất thường
Theo tờ Thanh niến, giá đấu thầu cao ngất ngưởng đã khiến nhiều chuyên gia lẫn người dân “choáng váng”, bởi nếu tính bài toán kinh doanh thì đây là một mức giá không tưởng.
Ước tính theo quy hoạch được duyệt, chỉ tính riêng tiền đất, mỗi căn hộ ở 4 khu đất này phải gánh giá đất thấp nhất là 35 tỉ đồng. Còn với lô đất do Công ty TNHH đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt trúng thầu với giá lên gần 2,44 tỉ đồng/m² trong khi quy hoạch dự án này dự kiến gồm 570 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng là 90.000 m², thì mỗi căn hộ có trị giá gần 43 tỉ đồng, chưa bao gồm phí xây dựng và lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Giá cao quá, cao bất thường”, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty GIBC, chia sẻ.
Ông Nghĩa phân tích, mức giá lên gần 2,5 tỉ đồng/m² là chưa từng có từ trước đến nay tại TP.HCM. Bởi giá đất tại đường Nguyễn Huệ hay Đồng Khởi, trung tâm quận 1, vốn được xem là đắt đỏ nhất của thành phố thì hiện nay có thể cũng chỉ xoay quanh mức 1,8 - 2 tỉ đồng/m². Giá trị đất luôn được tính đi kèm với vị trí là hạ tầng, dịch vụ xung quanh nối liền với dự án. Vì vậy chỉ có trung tâm thành phố đã phát triển với hàng loạt khách sạn, khu hội nghị phức hợp hạng sang như quận 1, dịch vụ kinh doanh nhộn nhịp và được xem là đất hiếm mới có thể lên cao như vậy.
Việc bỏ giá thầu cao ngất ngưởng phản ánh kỳ vọng của doanh nghiệp trong tương lai khi Thủ Thiêm phát triển thành đô thị mới hay trung tâm tài chính của cả nước và khu vực, nhưng ông Nghĩa cho rằng đây vẫn là một “ẩn số”.
“Hiện nay rất nhiều anh em, bạn bè thường xuyên theo dõi mảng BĐS đều tự phân tích và đưa ra câu hỏi là liệu công ty sẽ làm gì đối với lô đất đã mua với giá cao không tưởng đó. Vì nếu như khai thác căn hộ là không hợp lý. Hiện nay các căn hộ thuộc dạng cao cấp của khu Thủ Thiêm cũng chỉ xoay quanh 110 - 120 triệu đồng/m², tương đương với căn hộ trung bình khoảng 80 - 90 m² thì giá tổng cộng từ 8 - 10 tỉ đồng/căn. Như vậy với giá bán căn hộ lên hơn 40 tỉ đồng thì sẽ khó có khách. DN chỉ có thể khai thác dịch vụ siêu cao cấp như khách sạn 6 - 7 sao, các khu trung tâm hội nghị cao cấp khi kỳ vọng Thủ Thiêm được phát triển thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều người thì lại nhớ về vụ bỏ giá cao rồi “bỏ của chạy lấy người” trước đây. Đó là Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá khu đất ở đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) cao hơn 2,6 lần so với giá khởi điểm, tạo ra mức giá không thật tại khu vực đó. Tuy nhiên, sau đó công ty này thấy “hối hận” vì mua giá cao và lừng khừng không thanh toán.
Đắt đỏ nhất thế giới
Theo tờ Doanh nghiệp & Tiếp thị, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng với mức giá đất đắt đỏ của bất động sản tại đây, ông cảm thấy "lo hơn vui", bởi giá đất đã vọt lên quá xa.
Như vậy, giá đất tại khu trung tâm TP.HCM đã cao ngang ngửa những khu vực có giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới như Tokyo, Hong Kong, vốn là đất chật người đông, và là trung tâm thương mại tài chính châu Á. Trong khi thu nhập khai thác bất động sản và thu nhập kinh doanh - tài chính của TP.HCM thì rõ ràng chênh lệch.
"Trước khi cuộc đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm diễn ra, các nơi đất đắt nhất thế giới nếu chúng ta tính mức 1 triệu USD mua được bao nhiêu m2, thì tại Monaco sẽ mua 16m2; tại Hong Kong mua được 22m2, New York là 25m2, London khoảng 28m2, Geneva 41m2, Paris 46m2, Sydney 48m2, Thượng Hải 54m2, Los Angeles 58m2 và Beijing 66m2.
Trong khi nếu tính mức giá mà Ngôi Sao Việt trúng thầu hôm qua, 1 triệu USD tại TP.HCM chỉ mua gần 10m2", ông Hiển tính.
Tiếp tục đấu giá vào năm 2022
Tờ Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM cho hay, đơn vị này đang hoàn thiện thủ tục đấu giá cho 6 lô đất ở khu chức năng số 1 và 3.790 căn chung cư (trên 5 khu đất từ R1 đến R5) tại khu 38,4ha phường An Khánh. Dự kiến các lô đất và chung cư sẽ được đưa ra đấu giá vào đầu năm 2022.
6 lô đất ở khu chức năng số 1 nằm gần 4 lô đất vừa đấu giá thành công, ngay chân cầu Thủ Thiêm 2.
Các lô đất trong khu chức năng số 1 được quy hoạch thương mại, dịch vụ và nhà ở. UBND TP cũng đã duyệt quy hoạch 1/500 cho 6 lô đất này và có chủ trương cho đấu giá từng lô để lựa chọn nhà đầu tư.
Trong khi đó, 3.790 căn hộ ở phường An Khánh tọa lạc trên 5 lô đất có tổng diện tích khoảng 78.800m2.
Dự kiến khu đất và nhà chung cư này sẽ được chia thành 2 gói để bán đấu giá: gói thứ nhất gồm 2.220 căn hộ (14 block chung cư) trên 3 lô đất ký hiệu R1, R2 và R3 có diện tích hơn 47.000m2, gói thứ 2 có 1.570 căn hộ (gồm 11 block chung cư) trên 2 lô đất ký hiệu R4, R5 có diện tích hơn 31.800m2. Giá khởi điểm cho cả hai gói này đã được ấn định khoảng 14.700 tỉ đồng.
Ngoài ra, khu đô thị mới Thủ Thiêm còn có 9 lô đất đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý, có thể đưa ra đấu giá ngay được.
Đó là 6 lô đất ở khu 2C, 2 lô được quy hoạch trung tâm hội nghị triển lãm và lô đất mang ký hiệu 7-1. Theo quy hoạch, lô đất 7-1 là khách sạn nghỉ dưỡng hiện đã bồi thường giải phóng mặt bằng xong và cũng được UBND TP chấp thuận chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất.
Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết thêm, các lô đất còn lại trong khu đô thị này được chia thành ba nhóm dựa trên pháp lý đất, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Nhóm 1 là 12 lô với diện tích hơn 128.000m2 đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, khu chức năng số 3 hiện còn lô 3-4 là đất xây dựng trường học và lô 3-10 được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ và nhà ở.
Khu chức năng số 4 còn 9 lô: 2 lô xây trường học và 7 lô thương mại dịch vụ, nhà ở với diện tích hơn 61.000m2. Một lô đất ở khu chức năng số 7 hơn 15.000m2 được quy hoạch là trạm cung cấp nhiên liệu.
Nhóm 2 gồm 16 lô đất đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với diện tích hơn 269.000m2. Nhóm 3 là các lô đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chờ điều chỉnh quy hoạch gồm 23 lô với diện tích 365.000m2.
Hoa Vũ (T/h)