Càng chăn nuôi càng lỗ
Chia sẻ trên báo Vietnamnet, ông Nguyễn Văn Chung - chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô gần 1.000 con lợn ở Sơn Dương (Tuyên Quang), cho biết vừa xuất bán xong đàn lợn 30 con với giá 51.000 đồng/kg.
Ông cho biết, lợn hơi của trang trại mình thuộc loại đẹp mới bán được mức 51.000 đồng/kg, còn các trang trại khác trong vùng gần một tuần nay phải bán với giá 47.000 - 48.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lợn lỗ khá nặng.
Mặc dù bán với mức giá được cho là cao hơn các trang trại khác, song xuất chuồng lứa lợn này ông vẫn chịu lỗ 200.000 – 300.000 đồng/con.
“Lợn hơi bán giá rẻ nhưng vẫn ế”, ông Chung nói và cho biết, trước kia thương lái vào trại một chuyến thường bắt 30 - 50 con, nay trung bình một chuyến chỉ khoảng 10 con vì bắt nhiều cũng không bán được. Lứa lợn 30 con vừa bán, lái buôn đầu tiên vào chỉ bắt 9 con, ông phải gọi thêm lái buôn khác vào mới xuất bán hết.
Giá heo hơi xuống thấp, người chăn nuôi không muốn tái đàn. Ảnh: VTC News
Anh Nguyễn Văn Chiến, chủ trang trại chăn nuôi gần 400 con lợn ở Mai Sơn (Sơn La) cho biết, cách đây 2 ngày đã phải xuất bán lứa lợn 50 con với giá 48.000 đồng/kg.
“Lứa lợn này đến tuổi xuất chuồng từ đầu tháng 10 nhưng tôi thấy giá thấp nên giữ lại. Song, càng chờ giá càng giảm sâu, tôi đành bán đi dù lỗ nặng”, anh nói. Xuất bán hết lứa lợn này, anh lỗ gần 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Chinh, đại diện chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, thừa nhận, giá lợn hơi ở chợ dao động ở quanh mốc 48.000 - 49.000 đồng/kg. Mức giá này ông Chinh duy trì được 1 tuần nay.
Đáng nói, dù lợn hơi được giao dịch ở giá thấp nhưng vẫn ế. Lượng lợn đổ về chợ đầu mối chỉ khoảng 800 - 900 con/ngày, thấp hơn mức 1.000 - 1.200 con hồi tháng trước nhưng vẫn không tiêu thụ hết.
Một số chủ trang trại còn cho biết đã bỏ chuồng không tái đàn gần 3 tháng nay vì càng chăn nuôi càng thua lỗ.
Báo VTC News dẫn lời anh Phạm Văn Hùng ở thôn Đội 1, xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam): “Trước đây, trang trại của tôi lúc nào cũng có từ 200 con trở lên, nhưng hơn 2 tháng nay, giá heo hơi xuống thấp, gia đình đã bỏ trống chuồng trại, chuyển sang nghề làm đậu phụ và quay lại trồng lúa để có thu nhập. Không phải gánh nợ bởi giấc mộng làm giàu vì chăn nuôi”, anh Hùng nói.
“Ở thôn Đội 1 không chỉ gia đình tôi bỏ không chuồng trại, mà trong số hơn 400 hộ gia đình chăn nuôi trước đây, giờ còn lại chưa đến 100 hộ tiếp tục chăn nuôi. Số hộ này cũng chỉ duy trì từ vài con đến vài chục con”, anh Hùng thông tin thêm.
Cục Chăn nuôi nói gì?
Tại Đồng Nai được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi phía Nam, cũng là địa phương dẫn đầu cả nước với tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con với gần 3.000 trại và nông hộ, hiện nay nhiều bà con cũng tạm dừng không chăn nuôi.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, giá cả chăn nuôi là câu chuyện điều tiết của thị trường, từ giá cả đầu vào, nguồn cung, khả năng tiêu thụ.
“Việc nhập khẩu thịt heo hay thực phẩm khác khi chúng ta tham gia vào các Hiệp định thương mại là việc hết sức bình thường. Vấn đề là chúng ta phải giám sát chất lượng, đồng thời phát huy thế mạnh trong nước để xuất khẩu và nhập những mặt hàng chúng ta cần, chúng ta thiếu”, VTC News dẫn lời ông Thắng.
Cũng theo ông Thắng, có thời điểm giá heo lên đến 65.000 đồng/kg, 70.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc xuống đến hơn 40.000 đồng/kg là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý Nhà nước, Cục chỉ kiểm soát về tổng đàn, tăng cường chất lượng, giám sát đầu vào, nguyên liệu.
“Với giá quanh mốc 54.000 đồng/kg trở xuống thì người chăn nuôi không có lãi, nếu xuống dưới mốc 50.000 đồng/kg thì chắc chắn là người chăn nuôi thua lỗ”, ông Thắng nói và cho rằng khi thị trường xuống thì cũng phải chấp nhận rủi ro.
Về góc độ quản lý ngành, ông Thắng cho biết, sẽ không có câu chuyện thiếu hụt thực phẩm, thịt heo cuối năm và dịp Tết 2024, bởi khi chúng ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới và khu vực sẽ có sự trao đổi hàng hoá.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt heo và các loại thực phẩm trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đều giảm do thu nhập hạn chế.
Vân Anh (T/h)