Ngày 12/7, các nhà khoa học tại NYU Langone Health (Mỹ) cho biết một nhóm phẫu thuật đã cấy ghép tim lợn chỉnh sửa gene cho hai bệnh nhân chết não, tiến gần hơn đến mục tiêu sử dụng các bộ phận của lợn nhằm giải quyết tình trạng thiếu bộ phận cơ thể người để cấy ghép, theo Reuters.
Các ca cấy ghép này thể hiện bước tiến trong nỗ lực xác định xem nội tạng động vật có thể được chỉnh sửa gene và cấy ghép thành công ở người hay không. Được biết, tim lơn hoạt động bình thường, không có dấu hiệu thải ghép trong suốt 3 ngày thí nghiệm vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Cơ thể của người nhận được duy trì sự sống bằng cách sử dụng máy móc.
Người nhận tim lợn Lawrence Kelly (72 tuổi, ở Pennsylvania, Mỹ) được tuyên bố là đã chết não. Gia đình ông quyết định hiến xác để thưc hiện nghiên cứu nhằm kiểm tra xem tim lợn chỉnh sửa gene hoạt động ra sao trong cơ thể một người đã qua đời.
Sau ca cấy ghép của Kelly hồi tháng 6, nhóm nghiên cứu thực hiện thí nghiệm tương tự với một bệnh nhân chết não khác là Alva Capuano (64 tuổi, ở New York, Mỹ) vào đầu tháng 7 vừa qua. Được biết, ở Mỹ, chết não được định nghĩa là sự ngừng lại không thể đảo ngược của tất cả chức năng não, ngay cả khi hoạt động của tim và phổi có thể được duy trì bằng máy móc.
Những ca cấy ghép này tiếp nối thí nghiệm ghép tim lợn đầu tiên cho người đàn ông mắc bệnh tim giai đoạn cuối. Ca phẫu thuật cấy ghép được thực hiện bởi Trung tâm Y tế Đại học Maryland vào tháng 1/2022, tuy nhiên bệnh nhân đã qua đời 2 tháng sau đó do tình trạng thải ghép và nhiễm trùng.
Tiến sĩ Robert Montgomery, Giám đốc Viện Cấy ghép NYU Langone, cho biết các quy trình cho phép nghiên cứu sâu hơn về mức độ dung nạp của cơ thể những người nhận tim lợn. “Chúng tôi có thể theo dõi thường xuyên hơn nhiều và thực sự hiểu rõ về mặt sinh học, khám phá tất cả những điều chưa biết”, ông nói.
Vị chuyên gia này cho biết thêm nghiên cứu của họ là độc nhất khi cố gắng mô phỏng các điều kiện trong thực tế, ví dụ như không sử dụng thuốc và các thiết bị thí nghiệm. Các nhà khoa học đang làm việc để công bố thêm những chi tiết của nghiên cứu.
Các bác sĩ Deane E. Smith, Syed T. Hussain và Nader Moazami (từ trái sang) chuẩn bị tim lợn để cấy ghép "xuyên loài" tại NYU Langone Health vào ngày 6/7.
Theo các nhà nghiên cứu, NYU đã mua tim của những con lợn do Revivicor Inc - một công ty có trụ sở tại Blacksburg, Virginia - nuôi dưỡng và sàng lọc cẩn thận để loại bỏ các virus có thể gây thải ghép hay nhiễm trùng. Không có bằng chứng cho thấy tim lợn xuất hiện porcine cytomegalovirus – loại virus ở lợn từng được phát hiện trong máu của người đàn ông 57 tuổi ở Trung tâm Y tế Đại học Maryland và có thể đã góp phần dẫn đến cái chết của ông.
Những con lợn hiến tim đã trải qua 4 lần chỉnh sửa gene nhằm ngăn chặn sự đào thải và sự phát triển bất thường của các cơ quan, 6 lần khác để giúp ngăn chặn sự không tương thích giữa lợn và người. Trước đó, vào năm 2021, các nhà nghiên cứu của NYU đã cấy ghép thận lợn cho hai người chết não.
Các nhà nghiên cứu hiện tin rằng việc thử nghiệm cấy ghép "xuyên loài" xenotransplant an toàn hơn ở những người nhận chết não so với những bệnh nhân còn sống, đồng thời đem đến nhiều thông tin hơn do có thể thực hiện sinh thiết thường xuyên hơn. "Chúng tôi có thể nắm bắt mọi thứ diễn ra trong thời gian 72 giờ theo thời gian thực", Tiến sĩ Robert nói.
Việc mua sắm, vận chuyển, phẫu thuật cấy ghép và quy trình ức chế miễn dịch đều được thực hiện giống như các ca cấy ghép tim người thông thường. Các thí nghiệm kéo dài 72 giờ đã tạo ra dữ liệu sơ bộ, để lại nhiều câu hỏi cần được giải đáp trước khi bắt đầu thử nghiệm ghép tim lợn trên người sống lần nữa.
“Mất 1 tiếng 15 phút bay từ New York, đây là khoảng thời gian điển hình mà chúng tôi đi lấy tim để cấy ghép lâm sàng”, CNN dẫn lời Tiến sĩ Nader Moazami - Giám đốc phẫu thuật cấy ghép tim tại NYU Langone.
Tiến sĩ Moazami chia sẻ thêm: “Mục tiêu của chúng tôi là tích hợp các phương pháp được sử dụng trong một ca cấy ghép tim thông thường với một cơ quan không phải của con người, kỳ vọng nó sẽ hoạt động bình thường mà không cần sự hỗ trợ bổ sung từ các thiết bị hoặc thuốc chưa được kiểm tra".
Theo vị chuyên gia này, kiểm tra xem việc cấy ghép nội tạng hoạt động hiệu quả như thế nào bằng cách sử dụng cơ thể hiến tặng của một người đã qua đời là một phương pháp mới. Kỹ thuật này lần đầu tiên được sử dụng cho nghiên cứu là vào tháng 9/2021, khi một nhóm nghiên cứu ở NYU Langone do Tiến sĩ Robert dẫn đầu cấy ghép thận từ một con lợn chỉnh sửa gene cho người đã qua đời.
Tiến sĩ Moazami nhận định, tuy nghiên cứu thể hiện một bước tiến mới nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi quy trình này được áp dụng rộng rãi ngoài cơ sở nghiên cứu. Một hạn chế là độ dài của nghiên cứu, tình trạng trái tim và người nhận chỉ được đánh giá trong 72 tiếng sau khi cấy ghép.
Bên cạnh đó, có thể có những khác biệt quan trọng về cách cơ thể người chết và người sống phản ứng với quy trình này. Do đó, cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem tình trạng của những người được cấy ghép tạng về lâu dài ra sao.
Vị chuyên gia này lưu ý, chi phí nghiên cứu sẽ ít hơn với thời gian thí nghiệm ngắn, bên cạnh đó, thi thể người nhận cũng được trả về gia đình sớm hơn. Theo tiến sĩ Moazami, 72 tiếng là khoảng thời gian hợp lý cho nghiên cứu ngắn hạn của nhóm để tìm hiểu những vấn đề cần thiết.
Việc cấy ghép nội tạng động vật vào người cũng đặt ra một loạt câu hỏi về mặt đạo đức như liệu liệu lợi ích của việc sử dụng tim lợn chỉnh sửa gene có lớn hơn những rủi ro mà bệnh nhân phải đối mặt nếu họ chờ đợi được ghép nội tạng từ người hay không.
Đinh Kim (Theo CNN, Reuters)