Tính tới ngày 13/4 đã có gần 600 quân nhân trên tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt được xác nhận mắc Covid-19.
Tàu sân bay Charles de Gaulle. Ảnh: AP |
Hải quân Mỹ đã xác nhận thêm 103 thủy thủ trên USS Theodore Roosevelt đã nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm của tàu lên 585.
Hơn 1.700 thủy thủ có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 được chuyển đến những khách sạn trong vùng để cách ly, trong khi những người bệnh được điều trị ở căn cứ hải quân Guam, theo giới chức quân sự Mỹ.
Những thủy thủ mắc bệnh trên con tàu này chiếm 75% tổng số ca mắc Covid-19 của Hải quân Mỹ trên toàn thế giới.
Tình hình dịch Covid-19 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ cũng gây lo ngại. Tàu sân bay này đã đậu ở Guam hơn một tuần và khiến dân đảo lo lắng trong lúc hàng trăm thủy thủ tiến vào các khách sạn để cách ly.
Bà Mary Rhodes, chủ tịch Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng Guam, cho hay đã sắp xếp 10 khách sạn đủ sức chứa cho 4.000 thủy thủ. Không tính thủy thủ đoàn của tàu sân bay, Guam hiện có hơn 130 ca Covid-19 với 5 ca tử vong tính đến ngày 11/4.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt từng là tâm điểm của cuộc tranh cãi liên quan đến chỉ huy của con tàu - thuyền trưởng Brett Crozier.
Ông Brett Crozier đã viết một bức thư "cầu cứu" đề nghị Lầu Năm Góc nhanh chóng sơ tán gần 5.000 thủy thủ khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng trên con tàu này.
Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly đã chỉ trích hạm trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt "ngu ngốc và ngây thơ" vì bức thư đó, nhưng sau đó đã lên tiếng xin lỗi và nộp đơn xin từ chức.
Tổng thống Trump ngày 7/4 đã khẳng định rằng ông Modly không cần thiết phải từ chức vì tuyên bố đó và ông hy vọng cuộc tranh cãi về vấn đề này sẽ chấm dứt.
"Toàn bộ sự việc là một điều không may", Tổng thống Trump cho biết.
Covid-19 hiện đã lan ra 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,8 triệu người nhiễm, hơn 114.000 người đã tử vong và 422.000 ca hồi phục. Mỹ hiện ghi nhận gần 560.000 ca nhiễm, trong đó hơn 22.000 người đã tử vong.
Mộc Miên (T/h)