Ngày 5/10 (giờ địa phương), trên trang Twitter cá nhân, chính phủ CH Czech, giữ vị trí tư cách là chủ tịch nhiệm kỳ của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), đã thông tin về gói trừng phạt thứ 8 của khối đối với Nga.
Cụ thể, thông báo nêu: "Các đại sứ EU đã đạt được một thoả thuận chính trị về các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, như một phản ứng mạnh mẽ của EU đối với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập bất hợp pháp các vùng lãnh thổ Ukraine".
Các biện pháp bao gồm việc cấm vận chuyển dầu đến các nước không thuộc EU với mức giá cao hơn, phần lớn ảnh hưởng đến ngành vận tải biển của Hy Lạp, chính quyền Síp và Malta.
Phía chính phủ CH Czech cho biết thêm khối cũng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu đối với "các sản phẩm thép, bột gỗ, giấy, máy móc và thiết bị, hóa chất, nhựa, thuốc lá của Nga".
Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào Nga sau lệnh động viên một phần quân dự bị và việc sáp nhập 4 tỉnh ly khai Ukraine. Ảnh minh hoạ: Qirim
Theo ước tính của Ủy ban châu Âu (EC), gói trừng phạt này sẽ gây tổn thất khoảng 7 tỷ euro (6,96 tỷ USD) doanh thu của Nga hàng năm.
EU cũng đã thắt chặt hơn nữa các quy định xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin, kỹ thuật và dịch vụ pháp lý sang Nga, cũng như mở rộng danh sách hàng hóa công nghệ cao không được bán cho Moscow.
Gói trừng phạt mới cũng nhằm vào những người chịu trách nhiệm về việc huy động hơn 300.000 người Nga và việc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý gần đây ở 4 tỉnh Ukraine về việc sáp nhập vào Nga.
Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2, EU đã áp nhiều lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Ngoài ra, EU cũng tung ra nhiều gói trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga như cấm nhập khẩu vàng, dầu và than của Nga cũng như xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao và xa xỉ, hay loại các ngân hàng Nga và Belarus khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Trước cuộc bỏ phiếu thông qua gói trừng phạt mới, ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã tái khẳng định sự ủng hộ của khối đối với Ukraine thông qua các biện pháp viện trợ quân sự, áp lực ngoại giao và các biện pháp hạn chế.
Ông Borrel nhấn mạnh "cuộc chiến sẽ không kết thúc vì các nước phương Tây đã kiệt sức". Đồng thời, ông khẳng định: "Số phận của Ukraine gắn liền với châu Âu."
Minh Hạnh (Theo Anadolu Agency)