Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

EU đang làm gì để cắt giảm tiêu thụ năng lượng cho mùa đông tới?

(DS&PL) -

Trong tuần qua, Đức đã quyết định tắt điện ở các khu vực công cộng và cắt nước nóng ở những toà nhà do thành phố quản lý để tiết kiệm năng lượng.

Vì sao châu Âu phải cắt giảm điện?

Hồi tuần trước, các thành phố của Đức đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng bao gồm tắt đèn ở các địa điểm công cộng và cắt nước nóng ở những toà ành cho chính phủ điều hành. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng này được đánh giá là phù hợp với kế hoạch của EU nhằm giảm dần nhu cầu về khí đốt và tránh mất điện trong mùa đông sắp tới. Mục tiêu của toàn khối hiện nay là giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 15% vào tháng 3/2023.

Việc cắt giảm này sẽ cho phép các nước tiếp tục duy trì hệ thống điện của họ vào mùa đông tới ngay cả trong trường hợp xấu nhất là Nga ngừng cung cấp khí đốt cho EU. 

Hiện tại, việc giảm bớt tiêu thụ điện là tự nguyện với các nước. Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung hoặc lượng tiêu thụ tăng cao đột biến, Uỷ bao châu Âu (EC) hoàn toàn có thể yêu cầu các nước cắt giảm lượng năng lượng tiêu thụ một cách bắt buộc.

Các nước châu Âu đang cắt giảm tiêu thụ điện để chuẩn bị cho mùa đông tới. Ảnh: Getty 

Nếu Điện Kremlin ra lệnh ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, EC ước tính các nước thành viên sẽ bước vào một mùa đông lạnh giá bất thường và bị thiếu hụt khoảng 45 tỷ m3 khí đốt, chiếm khoảng 15% lượng khí đốt mà các nước EU tiêu thụ trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau. 

Khí đốt là nguồn nhiên liệu hàng đầu của khối và được sử dụng để sản xuất năng lượng ở các mức độ khác nhau tuỳ thuộc mỗi quốc gia.

Vì vậy, về cơ bản, EU đang chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra là Nga ngừng nguồn cung khí đốt và thời tiết trở nên lạnh giá bất thường do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu không có sự cắt giảm tự nguyện hiện nay, một vài nơi có nguy cơ sẽ bị mất điện trong mùa đông tới. 

Các nước châu Âu đang làm gì để cắt giảm tiêu thụ năng lượng?

Mục tiêu cắt giảm tự nguyện 15% lượng năng lượng tiêu thụ của EU đã nhận được sự đồng thuận từ hầu hết 17 quốc gia thành viên. Hungary là quốc gia duy nhất phản đối vấn đề này. 

Pháp

70% nguồn điện của Pháp đến từ năng lượng hạt nhân nhưng nước này vẫn đang tìm cách cắt giảm lượng năng lượng tiêu thụ xuống 10% trong 2 năm tới. Các cửa hàng có điều hoà nhiệt độ ở Pháp đã được yêu cầu đóng cửa hoặc đối mặt với mức phạt 750 euro (767 USD). 

Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái Agnès Pannier-Runacher chia sẻ việc để cửa mở khi bật điều hoà là "vô lý" bởi nó sẽ tiêu tốn năng lượng nhiều hơn 20%. Ngoài ra, sân hiên của các quán cà phê và quán bar ngoài trời cũng không được phép làm nóng hoặc làm mát.

Pháp cũng đã ra lệnh cấm màn hình LED quảng cáo ngoài trời trong thời gian từ 1h đến 6h mỗi ngày nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm tiêu thụ điện. Các văn phòng chính phủ cũng được quy định chỉ bật điều hoà nếu nhiệt độ trong nhà cao hơn 26 độ C.

Đức

Đức phần lớn sử dụng khí đốt cho việc sưởi ấm và chỉ khoảng 15% lượng khí đốt của nước này được dùng để sản xuất điện. Tuy nhiên, các nhà chức trách Đức đang tìm cách để cắt giảm tiêu thụ năng lượng ở cả 2 lĩnh vực này. 

Ở phía Tây Bắc đất nước, Hanover là thành phố lớn đầu tiên áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Các biện pháp này bao gồm ngắt nước nóng tại các cơ sở công cộng như trung tâm giải trí. Các tòa nhà thành phố cũng không còn được sưởi ấm quá 20 độ C và các thiết bị điều hòa không khí di động hoặc quạt sưởi cũng bị cấm sử dụng. 

Thủ đô Berlin của Đức tắt bớt đèn ở các địa điểm công cộng để tiết kiệm điện. Ảnh: Reuters 

Trong khi đó, các thành phố khác đã tắt đèn và đài phun nước ở những nơi công cộng. Từ đêm 27/7, khoảng 200 di tích và các tòa nhà thành phố ở thủ đô Berlin đã 'chìm' trong bóng tối. Lên tiếng về quyết định này, Thượng nghị sĩ Berina Jarasch cho biết: "Đối mặt với cuộc xung đột Ukraine và các mối đe doạ năng lượng của Nga, điều quan trọng là chúng tôi phải sử dụng năng lượng của mình một cách cẩn trọng nhất có thể". 

Hy Lạp

Hy Lạp từ tháng 6 đã giới thiệu các quy định hướng đến mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong năm nay và sau đó là 30% vào năm 2030. Theo đó, các văn phòng ở nước này không được phép mở điều hoà khi nhiệt độ dưới 27 độ C trong mùa hè và các nhân viên được yêu cầu phải tắt máy tính vào cuối ngày sau khi hết giờ làm việc. 

Tây Ban Nha

Dù Tây Ban Nha không phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, chính phủ nước này vẫn khuyến khích người dân cắt giảm lượng năng lượng tiêu thụ. Bộ trưởng Môi trường Teresa Ribera trong tuần trước cho biết mọi người cần phải sử dụng năng lượng một cách 'thông minh nhất có thể' khi đất nước đang tìm cách cắt giảm tiêu thụ khí đốt từ 7-8%.

Bà cho biết: "Chúng ta có thể bảo bọn trẻ tắt bớt đèn hoặc chúng ta có thể kéo rèm xuống. Chúng ta phải đảm bảo việc tắt đèn mỗi khi rời phòng trở thành một thói quen. Việc sử dụng năng lượng đúng cách cũng là một điều vô cùng quan trọng".

Italy

Italy đã lên kế hoạch cắt giảm điện tiêu thụ từ đầu tháng 7. Các biện pháp khẩn cấp bao gồm đóng cửa sớm các cửa hàng đã được chính phủ cân nhắc trước khi Thủ tướng Mario Draghi từ chức vào tuần trước. Không có hạn chế mới nào được đưa ra cho mục tiêu cắt giảm tiêu thụ năng lượng tại Italy nhưng kể từ tháng 5, các tòa nhà công cộng không được phép mở điều hoà dưới 19 độ C vào mùa hè hoặc cao hơn 27 độ C vào mùa đông.

Hà Lan

Từ năm 2023, các hộ tiêu thụ năng lượng lớn (những người sử dụng hơn 50.000 kilowatt giờ điện) ở Hà Lan sẽ phải giảm tiêu thụ năng lượng. Chính phủ Hà Lan vào đầu tháng 7 đã thông báo rằng các công ty sẽ bắt buộc đầu tư vào tất cả các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Đây là một phần trong nỗ lực của Hà Lan nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và giảm lượng khí thải carbon. Chính phủ Hà Lan cho biết những quy định mới này có thể tiết kiệm 19 PJ khí đốt và 7 PJ điện vào năm 2030, tương đương với 4 triệu thùng dầu.

Minh Hạnh (Theo Euro News)

Tin nổi bật