Việc sử dụng bằng của chị gái để được nhận vào làm và đi học tiếp của bà Trần Thị Ngọc Thảo là hành vi trái quy định của pháp luật.
Hình ảnh được cho là bà Trần Thị Ngọc Thảo. Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Vụ việc nữ Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk làm giả hồ sơ bằng cấp nhận được sự quan tâm dư luận.
Tại buổi làm việc với báo chí ngày 4/10, ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định có sai sót của các cơ quan chuyên môn trong việc thẩm tra hồ sơ xin việc của bà Trần Thị Ngọc Thảo (44 tuổi, trưởng phòng quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk).
Cụ thể, ông Hải cho biết, tất cả sai sót này bắt nguồn từ khoảng 20 năm trước, năm 1999. Lúc này bà Thảo xin vào làm nhân viên tại xí nghiệp chế biến cà phê của Công ty xuất nhập khẩu cà phê 2/9 (một doanh nghiệp thuộc quản lý của Tỉnh ủy Đắk Lắk).
Lúc này, doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải có bằng tốt nghiệp THPT nhưng bà Thảo lại chưa học, chưa có bằng nên đã lấy bằng tốt nghiệp THPT của chị gái mình là Trần Thị Ngọc Ái Sa (hiện đang làm điều dưỡng ở Lâm Đồng) để hoàn thiện hồ sơ.
Sau khi được nhận vào làm việc, bà Thảo tiếp tục dùng bằng cấp III của chị gái để đi học trung cấp, cao đẳng rồi học từ xa tại đại học Đà Nẵng chuyên ngành kế toán (tốt nghiệp năm 2009, nhận bằng với cái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa).
Từ đầu năm 2005, do đã có các bằng cấp về kế toán, bà Thảo được nhận vào làm nhân viên kế toán tại Nhà khách tỉnh Đắk Lắk (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk), đến tháng 10/2007 là kế toán trưởng tại đây.
Đến năm 2009, do Văn phòng Tỉnh ủy thiếu nhân viên kế toán nên đã điều động bà Thảo từ Nhà khách tỉnh Đắk Lắk về. Năm 2013, bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy. Từ năm 2016 đến nay, bà Thảo giữ chức Trưởng phòng Quảng trị- Văn phòng.
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết thêm, vi phạm của bà Thảo là rõ ràng, cơ quan liên quan đang dự kiến quy trình thủ tục xử lý kỷ luật. Do liên quan đến đảng viên nên sẽ xử lý từ chi bộ Đảng, trách nhiệm của người giới thiệu, người đi thẩm tra lý lịch, hồ sơ kết nạp Đảng. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình xem xét bổ nhiệm, có đúng quy trình hay không, báo Pháp Luật TP.HCM cho biết thêm.
“Sai lầm này, bà Thảo phải trả giá và không có cơ hội để khắc phục. Bà này sẽ bị xử lý kỷ luật ở hình thức cao nhất. Chúng tôi cũng đồng thời xem xét kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan. Trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó theo đúng quy định, không bao che” - ông Hải nói.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Đặng Thị Tâm, Công ty luật Asem (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc bà Trần Thị Ngọc Thảo mượn bằng của chị gái là hành vi trái với quy định pháp luật, vi phạm quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp tuy nhiên không đủ điều kiện cấu thành tội phạm nên chỉ bị xử phạt hành chính.
Người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác cũng bị buộc trả lại văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp cho người đứng tên trong văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp theo khoản 7, Điều 17 của Nghị định trên.
Bên cạnh đó, công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì có thể bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc quy định tại Điều 13 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Điều 13 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP.
Về việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa cho em gái (Trần Thị Ngọc Thảo) mượn bằng tốt nghiệp THPT, theo Luật sư Đặng Thị Tâm, đây là hành vi trái quy định của pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP. Bà Sa cũng có thể bị cơ quan, đơn vị đang công tác xử lý kỷ luật với hình thức kỷ luật tùy theo tính chất mức độ sự việc.
Bạch Hiền