Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, sau hơn 5h đồng hồ phẫu thuật tập trung, quyết tâm cứu sống bàn tay cho bệnh nhi gần 18 tháng tuổi, các bác sỹ khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã phẫu thuật vi phẫu thành công nối bàn tay phải bị đứt rời cho bệnh nhi N.M.A ở xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình. (ảnh dưới)
Theo lời kể của gia đình, trong lúc đang chơi, bé N.M.A đã vô thức cho bàn tay phải vào máy cắt đá tại xưởng làm đá của gia đình và bị cán đứt lìa.
Bệnh nhi ngay sau khi được sơ cấp cứu đã nhanh chóng được đưa lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Bàn tay bị đứt rời của bệnh nhi đã được phẫu thuật nối thành công sau hơn 5h đồng hồ. Ảnh: BVCC
Ngay sau khi tiếp nhận người bệnh trong tình trạng tỉnh và tiếp xúc được, các khoa chức năng chuyên môn của Bệnh viện đã có sự phối hợp chặt chẽ, tiến hành hội chẩn và lập tức thực hiện phẫu thuật nối ghép bàn tay cho bệnh nhi.
BSCKII. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho biết: Phẫu thuật nối liền bàn tay, bàn chân bị đứt rời nói chung hay các chi thể nói riêng đều phải làm theo một trình tự nhất định. Đầu tiên phải làm mẫu khung, rồi đến nối gân, nối thần kinh và nối mạch.
Với trường hợp bệnh nhi gần 18 tháng tuổi là ca bệnh hiếm, bị đứt lìa bàn tay, đã đứt toàn bộ gân, khối xương cổ tay và bó mạch thần kinh quay, trụ và thần kinh giữa và đứt toàn bộ gân gấp vùng ống cổ tay nên mọi công đoạn phẫu thuật đều khó, trong đó khó nhất là phẫu thuật phục hồi mạch máu và thần kinh.
Do đó, để thực hiện được ca phẫu thuật, công tác gây mê phải được đảm bảo, các phẫu thuật viên có trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm trong phẫu thuật vi phẫu và bàn tay.
Hiện sau mổ một ngày, bệnh nhi đã tỉnh, có thể uống sữa và giao tiếp được với nguời thân.
Nguyễn Linh