Các nguồn tin của CNN ngày 27/10 (giờ địa phương) cho biết tỷ phú Elon Musk đã hoàn thành thương vụ mua lại mạng xã hội Twitter trị giá 44 tỷ USD. Theo đó, ngay khi trở thành người đứng đầu Twitter, ông đã sa thải CEO Parag Agrawal cùng 2 giám đốc khác, bao gồm CFO Ned Sega và người đứng đầu chính sách công ty Vijaya Gadde.
Twitter hiện đã từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.
Thỏa thuận này đã khép lại chuỗi ngày không chắc chắn bao trùm hoạt động kinh doanh, nhân viên và cổ đông của Twitter trong năm qua.
Trước đó, vào tháng 4, tỷ phú Elon Musk từng tuyên bố sẽ mua lại Twitter và 2 bên đã đạt được thỏa thuận mua bán trị giá 44 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, ông chủ Tesla lại có ý muốn rút khỏi thương vụ này do lo ngại các tài khoản ảo được lập trên nền tảng và những cáo buộc khác liên quan tới hoạt động của Twitter.
Tỷ phú Elon Musk đã hoàn tất thương vụ mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD. Ảnh: NYT
Sau đó, tỷ phú Musk tiếp tục "quay xe" và đã hoàn tất thương vụ mua bán. Tuy nhiên, việc tỷ phú Musk lên nắm quyền và ngay lập tức sa thải những giám đốc điều hành đã đặt ra câu hỏi về tương lai của nền tảng này, cũng như những tác động của sự thay đổi trên đối với xã hội.
Tỷ phú giàu nhất thế giới cho biết ông đang xem xét việc thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung của Twitter để đảm bảo cách tiếp cận tối đa hơn của "quyền tự do ngôn luận". Elon Musk nói thêm rằng ông không đồng tình với việc Twitter thực hiện lệnh cấm vĩnh viễn đối với những người liên tục vi phạm các quy tắc, làm tăng khả năng một số người dùng bị cấm, hoặc từng gây tranh cãi trước đây có thể tái xuất trên nền tảng mạng xã hội này.
Trong đó, nhiều người dùng có thể sẽ quan tâm tới cách tỷ phú Elon Musk cho phép cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng bị khóa tài khoản vì đưa ra những bình luận thiếu căn cứ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Tùy thuộc vào thời điểm, việc ông Trump tái xuất trên Twitter có thể sẽ gây tác động lớn tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 8/11, cũng như chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2024.
Nếu thực hiện các bước đi này, tỷ phú Elon Musk sẽ một mình nâng cấp hệ sinh thái chính trị và truyền thông, định hình lại các cuộc thảo luận trực tuyến của công chúng.
Hồi đầu tuần qua, tỷ phú Musk đã tới trụ sở Twitter ở San Francisco (Mỹ) để gặp gỡ các nhà quản lý. Ông cũng đã đăng một bức thư ngỏ cho các nhà quảng cáo trên Twitter, nói rằng anh ấy không muốn nền tảng này trở thành một "bãi đất miến phí, nơi mọi người có thể nói bất cứ thứ gì mà không phải chịu hậu quả".
Việc mua lại Twitter cũng sẽ giúp tỷ phú giàu nhất thế giới mở rộng tầm ảnh hưởng. Vị tỷ phú đã sở hữu, giám sát và có cổ phần đáng kể trong các công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm phát triển xe hơn, tên lửa, robot và mạng vệ tinh. Giờ đây, ông tiếp tục kiểm soát một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, có vai trò định hình cách hàng trăm triệu người giao tiếp và tiếp nhận thông tin.
Minh Hạnh (Theo CNN)