Tháng 3/2022, Việt Nam công bố chính mở cửa lại du lịch ở đối với tất cả các hình thức, bao gồm đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường sắt,…cũng như tại tất cả các cửa khẩu. Tiến trình tái khởi động, phục hồi ngành du lịch đã trở thành mục tiêu được toàn bộ hệ thống chính trị nói chung, cũng như Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nói riêng đặc biệt quan tâm.
Đây cũng chính là thách thức và cơ hội để quá trình chuyển đổi số ngành du lịch được diễn ra nhanh hơn, bởi ứng dụng công nghệ sẽ giúp thu hút và nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, cũng như bắt kịp với xu hướng chung của toàn thế giới.
Vào giai đoạn ngành du lịch Việt Nam đang từng bước tái khởi động và cụm từ “chuyển đổi số du lịch” dần được nhắc đến nhiều hơn, Phóng viên Tạp chí Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Thái An (Annie Vu) – CEO nền tảng tảng kết nối khách du lịch với hướng dẫn viên bản địa Tubudd về câu chuyện “sống sót” trong đại dịch, cũng như tầm nhìn phát triển ứng dụng này trong tương lai.
PV: Một câu hỏi có thể chị đã trả lời nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn muốn nghe chị kể lại quá trình lên ý tưởng và quyết định tạo nên ứng dụng Tubudd?
Bà Vũ Thị Thái An: Tubudd không phải ý tưởng bộc phát hay bất chợt mà là một quá trình để ý, nhìn nhận, tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ sau khi chúng mình nâng lên đặt xuống rất nhiều ý tưởng khác. Kể từ mười năm trước khi phượt cùng hai người bạn Canada từ Bắc vào Nam, tôi nhận ra người nước ngoài ở Việt Nam gặp khó khăn trong giao tiếp, làm quen với môi trường hay văn hoá của người Việt.
Tám năm trước đi du lịch Châu Âu một mình, tôi cũng thử đặt các app liên quan đến du lịch thời điểm đó như couchsurfing,.. nhưng đều không có sự cam kết của người sử dụng và rất mất rất nhiều thời gian cho người sử dụng. Bản thân team founders (nhóm nhà sáng lập – PV) đã đi rất nhiều nơi và nhận ra mỗi nơi đều có sự ngăn cản về ngôn ngữ và rào cản về văn hoá, đó là điều khiến chúng mình quyết định tạo ra Tubudd.
Bên cạnh đó, ý tưởng này bắt nguồn với mong muốn cá nhân: “Change the world" (Thay đổi thế giới) tạo ra một sân chơi mới, mang ảnh hưởng cho cộng đồng. Tôi nhìn nhận được sự phát triển và tinh nhuệ của người trẻ ở Việt Nam tại thời điểm đó cũng như tốc độ phát triển cao, nhanh chóng của ngành du lịch nước nhà. Chính vì vây, chúng tôi quyết định đưa Tubudd về Việt Nam.
PV: Chúc mừng chị và các cộng sự với khoản đầu tư 6 chữ số từ quỹ TheVentures (Hàn Quốc). Để nhận được cái gật đầu các quỹ đầu tư nước ngoài, đội ngũ của Tubudd đã mất bao nhiêu thời gian, và đâu là điều chị cảm thấy khó khăn nhất trong quá trình gọi vốn?
Bà Vũ Thị Thái An: Đây không phải là khoản đầu tư đầu tiên Tubudd nhận được nhưng là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến giờ.
Mọi người có thể thấy khoản đầu tư này và dễ nghĩ rằng nó đến nhanh chóng nhưng thật sự thì ngay từ ngày đầu tiên thành lập bốn năm trước, Tubudd đã hướng đến công cuộc gọi vốn rất khó khăn này rồi. Bắt đầu với câu chuyện nhóm sáng lập không quen biết một mối quan hệ nào trong giới startup Việt Nam, hay về nước cũng chưa nắm được những chính sách, yêu cầu về thuế, giấy tờ, lập công ty, đội ngũ nhân sự hay vận hành,.. mất rất nhiều thời gian. Nhóm nhà sáng lập của Tubudd đã tiếp xúc gần hai trăm các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để có được những cuộc gặp.
“Chúng tôi có thể làm gì nữa để anh có thể đầu tư vào tôi?” là câu mà Tubudd đã liên tục hỏi những nhà đầu tư trong một thời gian rất dài để chứng minh việc thật sự nghiêm túc trong kinh doanh của Tubudd là như thế nào. Tổng cộng bốn năm đó là một hành trình không ngừng nghỉ của cả đội ngũ còn ít kinh nghiệm, đi cùng với đó quãng thời gian khó khăn của hai năm COVID-19.
PV: Trong 2 năm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, kéo theo sự đóng băng của ngành du lịch, chị và đội ngũ Tubudd đã duy trì startup của mình như thế nào?
Bà Vũ Thị Thái An: Việc đầu tiên Tubudd đã làm là cắt giảm đội ngũ. Đó cũng là lúc Tubudd cũng đang suy nghĩ xem là có nên đóng cửa hay là tiếp tục thì vẫn có rất nhiều khách hàng tìm đến, chính vì thế một số bộ phận cần thiết như sales, chăm sóc khách hàng, business development được giữ lại.
Còn những bộ phận khác như team marketing, event, admin tạm thời nghỉ để co gọn đội ngũ. Đó cũng là lúc Tubudd hòa vốn dòng tiền và đạt lợi nhuận theo năm, duy trì được doanh thu, lợi nhuận, nhân sự nhận lương đều đặn hàng tháng. Lúc đó, Tubudd tập trung vào những dịch vụ, sản phẩm đó thể bán được và mang lại doanh thu thời điểm đó.
PV: Gần 2 năm trước, trong một bài phỏng vấn, chị từng kỳ vọng Tubudd sẽ phát triển sang các thị trường khác như Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Indonesia hay Malaysia. Chị cảm thấy mình và đội ngũ đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm công việc để hiện thực hoá tham vọng trên?
Bà Vũ Thị Thái An: Đó đúng là tham vọng của mình. Hai năm trước, cuối năm 2019, Tubudd có một cái lộ trình phát triển rất rõ và dự kiến vào năm 2023 sẽ phát triển được sang ít nhất là một thị trường mới. Tuy nhiên do sự ngăn cách của COVID-19 mất hai năm thì trong thời gian đó thì gần như Tubudd không phát triển thêm app và cũng không tập trung vào marketing. Chính vì thế việc phát triển ở thị trường khác bị delay khoảng 2 năm.
Bây giờ, trong thời kỳ mở cửa trở lại, Tubudd không phải là bắt đầu từ con số 0 nữa nhưng cũng chỉ bắt đầu từ con số 0,5 thôi. Hiện tại bây giờ Tubudd đã có sẵn ứng dụng , có sẵn một cái vỏ, có sẵn một cái hệ thống, có quy trình nhẹ nhàng hơn và mong rằng khi nhận được nguồn vốn Tubudd sẽ có thêm điều kiện về tài chính để chạy nhanh hơn. Tôi cũng hy vọng là năm 2024 Tubudd sẽ đặt được chân sang những quốc gia khác như là Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia.
PV: Rất nhiều startup, đặc biệt là startup về công nghệ tại Việt Nam rơi vào cảnh “sớm nở, chóng tàn”. Chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ làm startup tại Việt Nam hay không?
Bà Vũ Thị Thái An: Năm 2019 có rất nhiều những bạn trẻ làm travel - tech startup, làm du lịch với những ý tưởng gần giống với Tubudd, như kết nối ở vùng sâu vùng xa, ở các địa điểm khác như Đà Nẵng,... Tuy nhiên sang năm COVID-19 thì các bạn dừng hẳn dù đã đưa ra và thực hiện ý tưởng rất hay.
Với các bạn trẻ làm startup, khi có ý tưởng rồi các bạn thật sự cần nghiên cứu thị trường thật kỹ, đây cũng chính là một lỗi mà tôi đã mắc phải nên khi đi sang ra các quốc gia khác, tôi luôn làm điều này cực kỳ kĩ ngay từ đầu.
Bên cạnh đó các bạn cần biết đối thủ của mình là ai, họ đang làm như thế nào, có điểm mạnh điểm yếu gì, và mình có thể hợp tác được với họ hay không, bởi vì như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc.
PV: Xin chị cho biết góc nhìn của cá nhân về ngành du lịch Việt Nam nói chung. Du lịch Việt Nam đã thực sự tận dụng được thế mạnh của các ứng dụng số hay chưa, và chị có đề xuất gì để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch?
Bà Vũ Thị Thái An: Du lịch Việt Nam có rất nhiều điểm mạnh, con người hiếu khách, thân thiện, rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước mà ít quốc gia nào có được.
Tuy nhiên những điểm mạnh đó chưa được khai thác và quảng bá rộng rãi. Cho đến hiện tại những chương trình du lịch vẫn mang nhiều tính truyền thống chưa truyền tải được sự đổi mới, phát triển và lan toả thế mạnh của Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Thời kỳ 2018, 2019 Việt Nam có rất nhiều ứng dụng, startup tiềm năng tuy vậy chưa kịp phát triển và gần gũi với mọi người, cũng như chưa thực sự được đưa lên bản đồ ứng dụng số thế giới đã không tồn tại qua được thời kỳ COVID-19. Trong thời gian sắp tới khi du lịch ổn định trở lại, mong rằng Việt Nam sẽ mở cửa hơn trong việc tiếp nhận và phát triển nhiều ứng dụng mới.
Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!
Thực hiện: Hiếu Nguyễn
Thiết kế:Hoàng Yến
Ảnh: internet
DOISONGPHAPLUAT.COM |