(ĐSPL) - Cách đây ít lâu, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP. HCM) từng chất vấn "tư lệnh" ngành giao thông: "Tôi và nhiều cử tri đi tuyến đường này rất lo vì nó treo trên đầu hàng loạt người lưu thông. Bộ trưởng có cam kết khi đưa công trình vào vận hành khai thác tuyệt đối an toàn không? Nếu tàu rơi xuống đất thì thảm họa. Nếu không an toàn thì Bộ trưởng suy nghĩ thế nào?".
Lo lắng rất thật của Đại biểu Đương có lẽ cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều người dân, khi trên đầu họ đang lơ lửng những hiểm họa chết người.
Đổ trụ bê tông sai quy trình, đơn vị giám sát không biết?
Dưới góc nhìn khác, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Nguyễn Văn Khải (Viện Khoa học Việt Nam) cho rằng: "Vụ sập trụ cầu (không phải sập giàn giáo) đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi đang thi công được dư luận đặc biệt quan tâm mấy ngày qua. Sau sự cố này, vấn đề quan trọng nhất được đặt ra chính là giám sát thi công. Theo những hình ảnh ghi lại tại hiện trường cho thấy, việc đổ trụ bê tông đã sai quy trình, kỹ thuật. Theo nguyên lý đòn bẩy (mô men lực), nếu đổ bê tông ở một nhánh bên trái hoặc bên phải của trụ cầu thì lập tức sẽ bị đổ. Việc chỉ đổ bê tông một phía đã dẫn đến sự cố nghiêm trọng trên. Thế nhưng, chẳng hiểu sao đơn vị giám sát lại không phát hiện ra?".
TS. Nguyễn Văn Khải. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Chính - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, bất kỳ công trình giao thông nào, kể cả đường sắt trên cao hay sau này là tàu điện ngầm (từ công trình đơn giản, đến công trình phức tạp-PV), phía thiết kế và tư vấn giám sát đều phải tuân thủ quy định của thiết kế và quy định an toàn về thi công, xây lắp. Theo quy định, các văn bản quy phạm pháp luật, nhà thầu, tư vấn thiết kế, thi công và giám sát phải độc lập. Nhà thầu thi công có thể có đơn vị giám sát mình, nhưng nhất thiết cần có một bên tư vấn giám sát độc lập để đảm bảo sự khách quan.
"Nguyên tắc, khi các chủ đầu tư chấp nhận các đơn vị thi công, đơn vị giám sát, phải thẩm tra tất cả hồ sơ năng lực cũng như thực lực của các đơn vị này. Chọn đơn vị tư vấn giám sát mà không đủ năng lực thì việc xảy ra sự cố là khó tránh khỏi. Công tác giám sát thi công xây dựng phải được thực hiện từ khi khởi công công trình", ông Chính nhấn mạnh.
Video tham khảo:
Hiện trường vụ sập đà giáo đường sắt trên cao
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng công trình giao thông và một trong số đó là công tác tư vấn, giám sát. Thế nhưng, công tác này chưa được chú trọng đúng mức. Lực lượng này chủ yếu từ các trung tâm tư vấn, giám sát của viện, trường cán bộ tư vấn giám sát hầu hết làm việc theo chế độ hợp đồng thời vụ, nên việc ràng buộc trách nhiệm còn hạn chế. Cũng do "giao khoán" trách nhiệm nên chất lượng "có vấn đề" là điều dễ hiểu. Thực tế rất nhiều khâu trong quá trình xây dựng không tuân thủ đúng quy định chuyên ngành dẫn đến sự cố.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Chính, để bảo đảm chất lượng công trình, một trong những đòi hỏi quan trọng là chuyên nghiệp hóa từ quản lý dự án đến tư vấn, giám sát. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng chưa được thực hiện triệt để. Trong bối cảnh hiện nay, việc thuê tư vấn, giám sát là chuyện bình thường, nhưng quan trọng là phải xác định vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể tham gia dự án. Có "trói buộc" chặt chẽ trách nhiệm mới hạn chế được các vấn đề phát sinh.
"Tư vấn, giám sát là một mắt xích có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công trình. Vì vậy, việc ban hành tiêu chí phân loại các tổ chức tư vấn, giám sát để đánh giá ngay ở bước sơ bộ lựa chọn nhà thầu tư vấn, giám sát là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, phải xây dựng mô hình tổ chức hoạt động tư vấn, giám sát chuẩn để áp dụng trong toàn ngành. Bên cạnh đó, cần đánh giá chính xác năng lực của chủ đầu tư để giao cho quản lý những dự án phù hợp", ông Chính nhấn mạnh.