Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đức, Na Uy muốn NATO đảm bảo an ninh dưới biển sau vụ rò rỉ Nord Stream

(DS&PL) -

Các nhà lãnh đạo của Đức và Na Uy đưa ra đề xuất rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển của châu Âu sau sự cố rò rỉ đường ống khí đốt Nord Stream.

Reuters đưa tin ngày 30/11 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo của Đức và Na Uy cùng yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phối hợp bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển của châu Âu sau sự cố rò rỉ đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream). 

Các quốc gia châu Âu đã tăng cường cảnh giác xung quanh các cơ sở lắp đặt quan trọng sau khi đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2, nối giữa Nga với Đức, gặp sự cố vào hồi tháng 9 và rò rỉ khí đốt ra biển Baltic. 

Sự cố đã trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu về năng lượng giữa phương Tây và Moscow, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2. Các nhà điều tra đã tìm thấy dấu vết của chất nổ tại hiện trường vụ rò rỉ đường ống Nord Stream và nghi ngờ có âm mưu cố ý cho nổ tung các đường ống.

Tại cuộc họp báo cùng với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, sự tham gia đảm bảo an ninh của NATO cho cơ sở hạ tầng dưới biển của châu Âu, sẽ gửi một tín hiệu đến các lực lượng bên ngoài có ý định tấn công. 

"Chúng tôi rất coi trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của mình. Các cuộc tấn công còn tiếp diễn chắc chắn sẽ gây ra hậu quả", ông Olaf Scholz nói. 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) bắt tay Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store trong cuộc họp báo tại Berlin, Đức, ngày 30/11. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng hệ thống đường ống dầu mỏ và khí đốt, cáp điện thoại và kết nối Internet là những cơ sở hạ tầng huyết mạch phải được bảo vệ đặc biệt.

Na Uy đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa khí đốt đến châu Âu sau khi Nga giảm xuất khẩu. Ông Scholz cho biết Na Uy hiện cung cấp khoảng một nửa nhu cầu khí đốt của Đức.

Theo Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere, quốc gia này đang sản xuất khí đốt hết công suất và sẽ tiếp tục tiến hành trong những năm tới. “Chúng tôi có trách nhiệm đặc biệt trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt an toàn cho châu Âu, đây là điều rất quan trọng cần duy trì", nhà lãnh đạo Na Uy nói. 

Trong một tuyên bố gửi qua email, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông hoan nghênh đề xuất của Đức và Na Uy.

Ông Stoltenberg nói: “Chúng tôi đã tăng cường nỗ lực sau vụ phá hoại gần đây đối với các đường ống Nord Stream, điều quan trọng là phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng ngoài khơi vẫn được an toàn trước các hành động phá hoại trong tương lai”.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Berlin vào tối 30/11, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức muốn sử dụng quỹ quốc phòng đặc biệt trị giá 100 tỷ EURO trong năm nay để mua máy bay chiến đấu F35 và trang bị thêm xe chiến đấu bộ binh Puma. Ông nói thêm rằng Nga không còn có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Bích Thảo (Theo Reuters) 

Tin nổi bật