Công đoàn cảnh sát và lính cứu hộ Đức mới đây đã lên tiếng kêu gọi cấm pháo hoa sau khi những các lực lượng của họ bị tấn công trong đêm giao thừa đón năm mới 2023.
Sau 2 năm ảnh hưởng do COVID-19, buổi lễ giao thừa năm nay tại Đức, người dân lại tiếp tục được mua pháo hoa, pháo nổ để tự đốt ăn mừng. Tuy nhiên, việc này đã gây ra nhiều sự cố nghiêm trọng, làm gia tăng số trường hợp bị thương và thậm chí tử vong trong đêm giao thừa.
Tại thủ đô Berlin, lực lượng chức năng cho biết 33 cảnh sát và lính cứu hỏa đã bị thương 1.700 vụ đốt pháo tối 31/12/2022.
Pháo hoa bắn tại quận Kreuzberg ở Berlin (Đức) trong buổi lễ đón năm mới. Ảnh: AFP
Ông Ralf Kusterer, phó Chủ tịch Công đoàn cảnh sát, chia sẻ: "Những gì chúng ta đang thấy ở Berlin, đặt biệt tại bang Baden-Württemberg, là các nhân viên cứu hỏa đang bị phục kích, các sĩ quan cảnh sát đang bị tấn công như trong ngày 1/5 hay tại các cuộc biểu tình bạo loạn. Vụ việc này là một cấp độ nguy hiểm mới".
Sau sự cố này, Công đoàn cảnh sát ở Berlin đã kêu gọi cấm bán pháo hoa trên toàn quốc. Người phát ngôn công đoàn - ông Benjamin Jendro - cho hay: "Chúng tôi không cho rằng phần lớn người dân cần phải tự đốt pháo để ăn mừng năm mới".
Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa Đức cũng kêu gọi trang bị thêm camera hành trình cho các nhân viên để ghi lại thêm những vụ bạo lực tương tự như từng xảy ra trong năm 2022.
Ngày 2/1 (giờ địa phương), người phát ngôn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông lên án các cuộc tấn công “quy mô lớn” vào các dịch vụ cứu hộ. Đồng thời, ông Klaus Lederer, nghị sĩ từ đảng Cánh Tả, đã ủng hộ lời kêu gọi cấm pháo hoa trên toàn quốc. Ông nói: "Chúng ta không cần đến những loại pháo này".
Được biết, ngày 1/1, Đức xác nhận một thiếu niên 17 tuổi đã tử vong trong sự cố tự đốt pháo hoa mừng năm mới ở ngoại ô thành phố Leipzig, miền Đông đất nước. Một trường hợp tử vong khác được ghi nhận là một người đàn ông tại Sachsen-Anhalt. Người này thiệt mạng do bị ô tô đâm trong khi đang đốt pháo.
Minh Hạnh (Theo Guardian)