The Guardian đưa tin, cách tiếp cận của Đức trước mối đe dọa của Nga đối với Ukraine đã được mô tả như một "trò đùa" sau khi Berlin đáp ứng yêu cầu vũ khí bằng cách cung cấp 5.000 mũ bảo hiểm.
Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko, người trước đây từng sống ở Đức, cho biết ông thể hiểu được việc thiếu sự ủng hộ từ quốc gia này. "Hành động của Chính phủ Đức khiến tôi không nói nên lời. Họ rõ ràng đã không nhận ra rằng chúng tôi đang phải đối dầu với các lực lượng được trang bị hoàn hảo của Nga, có thể dẫn đến một cuộc xâm lược vào Ukraine bất cứ lúc nào. Không biết Đức sẽ hỗ trợ gì tiếp đây? Gối ư?", ông Vitali Klitschko nói với tờ Bild.
Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko. Ảnh: Shutterstock.
Đầu tuần này, đại sứ Ukraine tại Berlin đã kêu gọi chính phủ Đức ít nhất hãy giúp đỡ bằng cách gửi 100.000 mũ bảo hiểm và áo bảo hộ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã thông báo vào hôm 26/1 (giờ địa phương) rằng Berlin sẽ chỉ cung cấp 5.000 mũ bảo hiểm quân sự. Cô cho biết lời đề nghị này đã gửi "một tín hiệu rất rõ ràng rằng chúng tôi đứng về phía bạn". Đức cũng có ý định đưa bệnh viện dã chiến tới Ukraine.
Diễn biến này sẽ không làm dịu đi những lo ngại trong EU về cách tiếp cận của Đức đối với cuộc khủng hoảng ở biên giới Ukraine, nơi hơn 100.000 binh lính Nga đã được triển khai.
Một quân nhân Ukraine bên ngoài thành phố Svitlodarsk. Ảnh: Getty Images.
Berlin đang phải đối mặt với áp lực từ chối phản đối sứ mệnh huấn luyện quân sự của EU tại Ukraine. Theo các nguồn tin ngoại giao, Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã nêu vấn đề của phái bộ tại một cuộc họp của các bộ trưởng từ 27 quốc gia thành viên vào ngày 24/1 và yêu cầu những người phản đối kế hoạch xem xét lại.
Các quan chức đối ngoại của EU dự kiến sẽ nỗ lực hơn nữa trong những tuần tới để thuyết phục Berlin "bật đèn xanh". Ý, Tây Ban Nha, Áo và Hy Lạp nằm trong số những người cũng phản đối đề xuất này, theo các nguồn tin của EU.
Các sứ mệnh huấn luyện của EU nhằm xây dựng quân đội trước đây đã được thành lập ở Mali và Somalia. Thay vào đó, Đức ủng hộ việc thành lập “cơ sở hòa bình châu Âu” - một chương trình tài chính có thể giúp cải tổ các lực lượng vũ trang Ukraine. Chương trình này được tin rằng sẽ phù hợp hơn với các mục tiêu của EU.
Bích Thảo (Theo The Guardian)