Rủ nhau “bùng nợ” app vay tiền
Hiện nay, ngoài công ty tài chính là tổ chức chính thống được nhà nước cấp phép, thì app cho vay tiền online đa số là hoạt động chui, núp bóng “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ. Nắm được điểm yếu của hình thức cho vay online thông qua các ứng dụng chưa được pháp luật quy định, điều chỉnh…, đã không ít người vay “bùng” nợ. Những người này thậm chí còn lập hội nhóm với số lượng lên đến hàng chục nghìn thành viên để “chia sẻ về kinh nghiệm bùng nợ”, đồng thời tìm cách ứng phó với chủ nợ sau khi vay được số tiền đáng kể từ các app online.
Hội nhóm bùng nợ ngày càng có thêm nhiều thành viên tham gia
“Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” - một hội nhóm riêng tư trên mạng xã hội Facebook có đến hơn 21.000 thành viên thường xuyên đăng tải các bài viết với nội dung “cần làm gì khi đã xác định bùng nợ?”. Theo đó, các thành viên đều đưa ra lời khuyên bảo mật trang thông tin facebook, zalo…, chuyển mọi thứ gồm bài đăng, hình ảnh về chế độ riêng tư, khóa danh sách bạn bè… rồi sau đó đăng tin lên trang cá nhân thông báo về việc bị mất thông tin tài khoản hoặc đã từng đi vay, đã thanh toán xong bị sử dụng thông tin để lừa đảo… nhằm trấn an người thân, bạn bè, đồng nghiệp…
Một số người còn tự hào đang “bùng” nợ của loạt công ty tài chính, app vay online nhưng không bị hề hấn gì. Họ chia sẻ với nhau cách xoá quyền truy cập danh bạ của ứng dụng để bên vay không thể gọi điện cho người thân để đòi nợ. Thậm chí nhiều người còn xem đây là “cách kiếm tiền online”.
Và cũng trong các hội nhóm nói trên, không ít người lên than thở vì bị bên cho vay “truy đuổi”, không chỉ bị gọi điện khủng bố mà còn bị đăng ảnh bêu rếu lên mạng xã hội.
Chủ nợ tung “chiêu” đòi nợ kiểu mới
Nhiều con nợ bị ghép ảnh bàn thờ khi có dấu hiệu trễ hẹn không thanh toán tiền vay.
Khi người vay tìm cách đối phó, “bùng” nợ thì các chủ nợ cũng tung ra muôn vàn chiêu để đòi nợ. Thời gian đầu, các chủ nợ liên tục gọi điện, nhắn tin thúc giục người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Những tin nhắn và cuộc gọi đòi nợ sẽ được “dội” vào số điện thoại tham chiếu, sau đó là danh sách các số điện thoại thường xuyên liên lạc, nhằm tạo áp lực khiến người vay phải trả nợ.
Nhận thấy cách này không còn hiệu quả, chủ nợ đã tìm đến cơ quan, công ty, nơi người vaylàm việc, dán hình ảnh tìm kiếm, bêu tên khắp nơi, đăng tin bùng nợ lên các hội nhóm trên mạng xã hội… Tuy nhiên gần đây, các chủ nợ đã nghĩ ra những chiêu thức mới.
Tài khoản L.A.T. cho biết, dù chưa trễ hẹn thanh toán nợ với một app đã vay tiền, song app này đã gửi ảnh bàn thờ có kèm hình của T. với cảnh báo lừa đảo quỵt tiền cho tất cả những số điện thoại trong danh bạ zalo của T., bên cạnh đó còn dọa hôm sau sẽ gọi thông báo T. đã tử vong do tai nạn. Dù không bị ghép ảnh bàn thờ, song tài khoản L.N. cũng “khóc dở mếu dở” khi bị app vay tiền ghép ảnh khỏa thân gửi cho bạn bè, người thân.
Tình trạng bị ghép ảnh xảy ra phổ biến khi bùng nợ vay app online
Có thể thấy tâm lý là yếu tố được các chủ nợ chuyên nghiệp khai thác một cách triệt để khi con nợ có ý định bùng nợ. Khi này sự chú ý sẽ được chuyển sang người thân, bạn bè, đồng nghiệp… nhằm tạo sức ép “dội” ngược lại con nợ.
Hiện nay, vay tiền qua app online lãi suất cao với các phương thức, thủ đoạn tinh vi chính là hình thức biến tướng mới của tín dụng đen. Ở chiều ngược lại, người đi vay cũng có nhiều “chiêu trò” lảng tránh trách nhiệm hoàn trả nợ. Nhìn từ phương diện pháp luật, hành vi của cả 2 đối tượng nêu trên đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật, song việc ngăn chặn, xử lý tình trạng này rất nan giải và phức tạp.
Cao Hoa